Bệnh bất túc cổ tử cung là căn bệnh hiếm gặp và khó phát hiện khi mang thai. Điều đáng sợ nhất là nếu mẹ bầu chẳng may bị căn bệnh này thì nguy cơ doạ sẩy thai, sẩy thai, sinh non,… cực kỳ cao! Những biến chứng của bệnh bất túc cổ tử cung khiến tính mạng mẹ bầu và bé yêu trong bụng bị đe dọa, thậm chí không giữ được do sốc nhiễm khuẩn… Phải làm sao để tránh và kiểm soát được sớm bệnh bất túc cổ tử cung? Bạn hãy xem bài viết này để hiểu rõ hơn nhé!
Bệnh bất túc cổ tử cung là gì?
Tam cá nguyệt đầu tiên đi qua mẹ bầu đừng vội thở phào nhẹ nhõm! Bởi vì tam cá nguyệt tiếp theo vẫn có nhiều mẹ bầu bị đe dọa bởi bệnh bất túc cổ tử cung.
Bệnh bất túc cổ tử cung là căn bệnh khiến cổ tử cung của mẹ bầu không đóng lại được khi thai nhi lớn dần lên. Bệnh là tình trạng cổ tử cung suy yếu không thể giữ được thai trong buồng tử cung, còn được gọi là hở eo tử cung.
Hiện tượng cổ tử cung của mẹ giãn nở sớm trước khi bé yêu trong bụng đủ ngày đủ tháng có thể gây ra:
- Doạ sẩy thai.
- Sinh non.
- Sẩy thai liên tiếp.
- Nhiễm trùng cả mẹ và con,…
Nhiều tài liệu định nghĩa bất túc cổ tử cung là suy cổ tử cung, là tình trạng tử cung không đậu thai,… Bệnh nguy hiểm và khó chẩn đoán, đồng thời việc điều trị cũng không dễ dàng.
Bất túc cổ tử cung thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai của thai kỳ hoặc đầu tam cá nguyệt thứ ba. Do vậy việc tìm hiểu về bệnh bất túc cổ tử cung là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mẹ bầu và bé yêu! Sau đây là thông tin cụ thể về bệnh:
Nguyên nhân gây bệnh bất túc cổ tử cung
Cổ tử cung (là đoạn cuối hẹp, hình ống ở nửa dưới của tử cung) còn gọi là kênh cổ tử cung.
Ở mẹ bầu bình thường:
- Khi bắt đầu mang thai, cổ tử cung liên kết với âm đạo thường đóng và khép chặt lại. Đồng thời các chất dịch tiết sẽ đổ đầy cổ tử cung là để tạo thành hàng rào bảo vệ (nút nhầy).
- Khi thai kỳ phát triển và đến gần ngày sinh (cuối tam cá nguyệt thứ 3), cổ tử cung mới dần dần mềm, trồi lên, giảm độ dài.
- Đến lúc mẹ bầu chuẩn bị chuyển dạ thì cổ tử cung sẽ mở ra (giãn nở).
Khi bạn bị bệnh bất túc cổ tử cung trong thai kỳ:
- Cổ tử cung bắt đầu mở ra sớm hơn dự kiến.
- Điều này khiến bạn có thể bị sẩy thai hoặc sinh sớm hơn (sinh non).
Do đó, bệnh bất túc cổ tử cung sẽ xảy ra khi:
- Sức nặng của thai nhi làm tăng áp lực lên tử cung.
- Cổ tử cung mềm và yếu hơn bình thường.
- Cổ tử cung co rút ngắn một cách bất thường.
Yếu tố nguy cơ gây bệnh bất túc cổ tử cung
Có 20 – 25% trường hợp sẩy thai trong ba tháng giữa thai kỳ có nguyên nhân do bệnh bất túc cổ tử cung. Sau đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ khiến cổ tử cung suy yếu dẫn đến bệnh bất túc cổ tử cung:
- Nong nạo (Những thủ thuật để chẩn đoán hoặc điều trị các bệnh lý ở tử cung): Xuất huyết nặng, làm sạch màng trong tử cung sau sẩy thai hoặc đình chỉ thai nghén.
- Khoét chóp.
- Cắt đoạn cổ tử cung.
- Rách cổ tử cung (Những chấn thương cổ tử cung): Nếu ở lần sinh nở trước, bạn bị rách cổ tử cung trong thời gian chuyển dạ, bạn có thể bị bệnh bất túc cổ tử cung. Những thao tác phẫu thuật liên quan đến tử cung (như để xét nghiệm Pap), có thể gây tổn thương dẫn đến chứng thiếu máu cổ tử cung.
- Bệnh lý collagen.
- Bất thường ở tử cung/ cổ tử cung: Khiếm khuyết chức năng cổ tử cung, bất thường về mặt giải phẫu, có 2 tử cung, những rối loạn di truyền, tiếp xúc với DES (diethylstilbestrol) trước khi sinh (cụ thể là mẹ của bạn dùng thuốc DES khi mang thai bạn).
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Triệu chứng cảnh báo nguy cơ bệnh bất túc cổ tử cung
Bệnh bất túc cổ tử cung khi mới mắc phải có triệu chứng cảnh báo nào cần lưu ý? Làm sao để biết mẹ bầu có nguy cơ bị bất túc cổ tử cung? Sau đây là thông tin chi tiết để bạn tham khảo:
Giai đoạn đầu của bệnh bất túc cổ tử cung
Ở giai đoạn đầu, khi cổ tử cung bắt đầu mở trong thai kỳ, bạn sẽ không cảm thấy bất cứ triệu chứng hay dấu hiệu cảnh báo nào.
Trong vài ngày hoặc vài tuần, bạn có thể cảm thấy khó chịu một chút nhưng triệu chứng rất nhẹ, khiến đa số chúng ta nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác hoặc nghĩ là do ốm nghén.
Từ tuần 14 đến tuần 20 trong thai ở kỳ
Đa số bệnh bất túc cổ tử cung bắt đầu gây ra một số triệu chứng trong khoảng từ tuần 14 đến tuần 20 trong thai kỳ do lúc này thai nhi đã lớn hơn. Mẹ bầu nên để ý và theo dõi những triệu chứng sau:
- Cảm giác áp lực ở phần khung chậu.
- Cảm giác bị co thắt như trước khi hành kinh.
- Đau lưng.
- Bụng bị chuột rút nhẹ.
- Dịch tiết âm đạo bất thường: Nhiều hơn, màu sắc thay đổi từ trắng/ vàng nhạt sang màu hồng/ nâu.
- Xuất huyết âm đạo nhẹ, có đốm máu nhạt từ dịch tiết âm đạo.
Khi bạn có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên đến khám tại cơ sở y tế uy tín để được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh bất túc cổ tử cung là cực kỳ quan trọng. Đừng để khi tình trạng bệnh tiến triển nặng dẫn đến nguy cơ mẹ bầu phải đi cấp cứu đột ngột.
Tầm soát và chẩn đoán bệnh bất túc cổ tử cung
Hiện nay, bác sĩ chẩn đoán bệnh bất túc cổ tử cung dựa vào tiền sử sản khoa đơn thuần hoặc kết hợp siêu âm ngả âm đạo. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh khi có một trong số những tiêu chuẩn sau:
Tiền sử sản khoa đơn thuần
- Nếu bạn đã từng bị sẩy thai to hoặc sinh non (trước 28 tuần) từ 2 lần trở lên, liên tiếp, có đặc điểm chuyển dạ nhanh không đau.
- Nếu bạn đã từng bị sẩy thai hoặc sinh non ( từ 14 – 36 tuần) với đặc điểm chuyển dạ nhanh không đau, kèm yếu tố nguy cơ bị bất túc cổ tử cung.
- Nếu bạn đã bị bệnh bất túc cổ tử cung trong lần mang thai trước.
Đo chiều dài cổ tử cung qua siêu âm ngả âm đạo
Khi siêu âm qua đường âm đạo trước khi thai kỳ được 24 tuần, nếu:
- Cổ tử cung của mẹ bầu ngắn hơn 25 mm.
- Có sự thay đổi cổ tử cung.
- Kèm theo các yếu tố nguy cơ gây bệnh bất túc cổ tử cung.
Ngoài ra còn một số hình ảnh/ siêu âm cổ tử cung ngả âm đạo được đề cập khi chẩn đoán bệnh bất túc cổ tử cung:
- Lỗ trong cổ tử cung hình phễu (bác sĩ sẽ khảo sát ở 2 trạng thái có và không có áp lực lên buồng tử cung).
- Sự tương quan giữa chiều dài cổ tử cung và hình dạng lỗ trong cổ tử cung: Với các dạng T, Y, V, U.
- Chiều dài cổ tử cung < 25 mm.
- Đầu ối thành lập.
- Hiện diện phần thai ở cổ tử cung hoặc âm đạo.
Điều trị bệnh bất túc cổ tử cung
Nếu chẳng may cổ tử cung của bạn bắt đầu mở sớm, bác sĩ có thể cần chỉ định cho bạn:
- Dùng thuốc phòng ngừa trong thời gian mang thai.
- Siêu âm thường quy.
- Chỉ định khâu vòng cổ tử cung là phương pháp điều trị chính trong bệnh bất túc cổ tử cung.
Bổ sung progesteron
- Khi mẹ bầu có tiền sử sinh non, ở thai kỳ tiếp theo có thể bác sĩ sẽ đề nghị bạn tiêm hàng tuần hormon progesteron để phòng ngừa bạn bị sinh non lần nữa.
- Hiện nay, điều trị bằng cách bổ sung progesteron không có ích khi mẹ bầu mang thai đôi (song sinh) hoặc hơn.
Siêu âm nối tiếp
- Khi trong những lần sinh con trước, bạn đã từng bị tổn thương cổ tử cung hoặc sẩy thai sớm, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm 2 tuần 1 lần từ tuần 15 đến tuần thứ 24 của thai kỳ. Mục đích là để theo dõi chiều dài cổ tử cung một cách chính xác, cẩn thận.
- Nếu phát hiện cổ tử cung của bạn bắt đầu mở hoặc trở nên ngắn hơn so với chiều dài nhất định, có thể bạn sẽ được bác sĩ chỉ định khâu cổ tử cung.
Khâu vòng cổ tử cung
Khi bạn có thai dưới 24 tuần, hoặc có tiền sử sinh non và siêu âm phát hiện cổ tử cung đang mở. Bạn sẽ được chỉ định khâu cổ tử cung để ngăn ngừa sinh non. Khi thai từ 38 tuần trở lên hoặc trong khi bạn chuyển dạ, bác sĩ sẽ cắt chỉ khâu.
Sau đây là thông tin cụ thể về phương pháp khâu vòng cổ tử cung để mẹ bầu tham khảo:
Chỉ định khâu vòng cổ tử cung
- Khi bạn được chẩn đoán bị bất túc cổ tử cung do hở eo tử cung.
- Bạn đã từng khâu cổ tử cung trước đây.
Chống chỉ định khâu vòng cổ tử cung
Bạn sẽ không thể khâu vòng cổ tử cung khi:
- Tử cung có cơn co.
- Chảy máu từ tử cung.
- Viêm màng ối.
- Ối vỡ non.
- Bất thường thai nhi.
- Viêm sinh dục cấp.
Kỹ thuật khâu vòng cổ tử cung
- Thực hiện ở tuổi thai 14 – 18 tuần (13 đến dưới 20 tuần).
- Trước thủ thuật: Siêu âm đánh giá tình trạng cổ tử cung, đánh giá tình trạng viêm nhiễm âm đạo. Nếu có viêm nhiễm phải điều trị trước.
- Phương pháp khâu vòng cổ tử cung: Có 5 kỹ thuật khác nhau để lựa chọn là Mc Donald, Shirodkar, Wurm, khâu ngả bụng, Lash. Thường dùng phương pháp Mc Donald.
Sau khi khâu vòng cổ tử cung
- Bạn sẽ được theo dõi cẩn thận sau khi khâu vòng cổ tử cung: Cơn gò, tình trạng đau bụng, ra huyết, ra nước âm đạo.
- Bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu cần nghỉ ngơi tại giường từ 12 đến 24 giờ.
- Bạn sẽ được xuất viện nếu không có cơn co tử cung trong thời gian 24 giờ sau thủ thuật, không có vỡ ối trong quá trình theo dõi.
- Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp khi điều trị bệnh bất túc cổ tử cung.
- Đồng thời có thể bác sĩ sẽ chỉ định thuốc để bạn sử dụng như: thuốc giảm co (không bắt buộc sử dụng), kháng sinh dự phòng sau thủ thuật.
- Bạn sẽ cần siêu âm đo chiều dài cổ tử cung định kỳ khi khám và dùng progesteron liên tục đến 36 tuần thai kỳ.
Tai biến của khâu vòng cổ tử cung
- Ối vỡ non.
- Viêm màng ối.
- Chuyển dạ sinh non.
- Rách cổ tử cung.
- Tổn thương bàng quang.
- Xuất huyết.
- Sinh khó do cổ tử cung.
- Vỡ tử cung.
Phòng ngừa và kiểm soát biến chứng của bệnh bất túc cổ tử cung
Mẹ bầu cần làm gì để phòng ngừa cũng như kiểm soát biến chứng nếu chẳng may mắc phải bệnh bất túc cổ tử cung trong thai kỳ? Sau đây là một số lời khuyên của các chuyên gia y tế dành cho bạn:
Thăm khám định kỳ thường xuyên khi mang thai
Vì bệnh bất túc cổ tử cung rất khó phát hiện, và điều trị cũng không dễ do có nhiều tai biến nguy hiểm nếu mẹ bầu không kiêng cữ hay tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Do vậy việc đi khám thai định kỳ đầy đủ và báo cho bác sĩ những bất thường dù là nhỏ nhất trong thai kỳ là điều rất cần thiết để mẹ bầu có thể kiểm soát kịp thời biến chứng của bệnh bất túc cổ tử cung.
Thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp
Mẹ bầu sẽ được tư vấn cụ thể hơn khi gặp bác sĩ chuyên khoa ở các cơ sở y tế uy tín, sau đây là một số lời khuyên dành cho bạn khi bị bệnh bất túc cổ tử cung:
- Giữ chế độ ăn uống hợp lý.
- Hạn chế những hoạt động thể chất nhất định.
- Hạn chế quan hệ tình dục.
- Không đứng lâu, không mang vật nặng.
Hy vọng những thông tin trong vài viết này của Phòng khám Ana sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh bất túc cổ tử cung. Nếu bạn đang mang thai hay gia đình có người mang thai ở giai đoạn đầu hoặc giữa thai kỳ, hãy lưu ý những dấu hiệu cảnh báo bệnh bất túc cổ tử cung để kịp thời khám và điều trị sớm nhé! Chúc các bạn luôn bình an và mẹ tròn con vuông!