Bệnh rong kinh – nỗi lo “thầm kín” của một nửa thế giới!

Bệnh rong kinh, rong huyết – hiện tượng chảy máu bất thường từ niêm mạc tử cung kéo dài, bao lâu nay luôn mang đến nỗi lo “thầm kín” của vô số phụ nữ. Đây là triệu chứng của nhiều tình trạng hoặc bệnh lý khác nhau. Vậy làm sao để biết chắc chắn bạn bị bệnh rong kinh? Nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng như những lưu ý những khi bạn bị bệnh rong kinh là gì? Hãy cùng xem trong bài viết này nhé!

Mục lục bài viết

Khái niệm

Khi bạn bị xuất huyết âm đạo bất thường, kéo dài, có thể bạn đang bị bệnh rong kinh hoặc rong huyết, cũng có thể bị cả 2 cùng lúc gọi là bệnh rong kinh – rong huyết. Để hiểu rõ hơn, đầu tiên bạn cần nắm một số khái niệm:

Rong kinh là gì?

Rong kinh là khi ở cơ thể bạn, hiện tượng kinh nguyệt trở nên bất thường, với các triệu chứng:

  • Xuất huyết âm đạo kéo dài quá 7 ngày.
  • Vẫn có chu kỳ.

Do vậy, rong kinh còn được miêu tả là hành kinh kéo dài trên 7 ngày.

Rong kinh khác rong huyết ở điểm nào?

Rong huyết có triệu chứng:

  • Xuất huyết âm đạo kéo dài quá 7 ngày.
  • Không có chu kỳ.

Như vậy, rong kinh khác rong huyết ở chỗ:

  • Khi bạn bị rong huyết thì hiện tượng ra máu ở bộ phận sinh dục không liên quan đến kỳ kinh.
Rong kinh là khi ở cơ thể bạn, hiện tượng kinh nguyệt trở nên bất thường
Rong kinh là khi ở cơ thể bạn, hiện tượng kinh nguyệt trở nên bất thường

Một số đặc điểm phân biệt

Dựa vào các yếu tố như khoảng cách giữa các kỳ kinh, số ngày kinh và lượng máu mất đi mà bác sĩ phân biệt bệnh rong kinh với rong huyết như sau:

Rong kinh

  • Khoảng cách: Đều.
  • Số ngày kinh: Kéo dài.
  • Số lượng máu: Nhiều, trung bình hoặc ít.

Rong huyết

  • Khoảng cách: Không đều.
  • Số ngày kinh: Kéo dài.
  • Số lượng máu: Trung bình hoặc ít.

Rong kinh – Rong huyết

  • Khoảng cách: Không đều.
  • Số ngày kinh: Kéo dài.
  • Số lượng máu: Nhiều.

Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh rong kinh

Như đã nói ở trên, bạn có thể bị bệnh rong kinh khi bạn có những dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt. Do đó bạn hãy lưu ý đến tình trạng chu kỳ kinh của mình để kịp thời phát hiện bất thường. Việc phát hiện sớm và điều trị dứt điểm bệnh rong kinh là rất quan trọng và cần thiết!

Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh rong kinh
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ bệnh rong kinh

Kinh nguyệt là gì?

Kinh nguyệt ở nữ giới là hiện tượng xuất huyết âm đạo (ra máu từ đường sinh dục) có chu kỳ:

  • Do lớp màng nội mạc tử cung tróc ra sau khi chịu tác dụng của nội tiết.
  • Niêm mạc tử cung bong đến đâu thì tái tạo ngay đến đấy.
  • Xảy ra sau rụng trứng.
  • Có đặc điểm về thời gian, khoảng cách, lượng máu và triệu chứng đi kèm hầu như cố định với mỗi cá nhân.
Xem ngay:  Top 10 thực phẩm nên kiêng trong tháng thứ 1 thai kỳ

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường và có tính chất định kỳ hàng tháng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đặc điểm kinh nguyệt bình thường

  • Tuổi bắt đầu có kinh: từ 11 – 18 tuổi.
  • Số ngày hành kinh: từ 3 – 7 ngày.
  • Số lượng máu kinh: từ 30 – 80 ml (thay 3 – 5 lần băng vệ sinh mỗi ngày).
  • Khoảng cách giữa các kỳ kinh (vòng kinh): kinh từ 22 – 35 ngày, trung bình là 28 – 32 ngày.
  • Máu kinh màu đỏ tươi, không đông, có mùi hơi nồng, không tanh.

Khi nào kinh nguyệt bất thường?

  • Số ngày hành kinh: dưới 3 ngày hay hơn 7 ngày.
  • Số lượng máu kinh: trên 80 ml.
  • Khoảng cách giữa các kỳ kinh (vòng kinh): dưới 21 ngày hay hơn 35 ngày.

Khi kinh nguyệt không ổn định, bạn nên đi khám để kiểm tra sức khỏe tổng quát tại cơ sở y tế uy tín.

Tầm soát và chẩn đoán bệnh rong kinh

Làm thế nào để biết bạn bị bệnh rong kinh? Khi đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp thăm khám nào? Bạn hãy cùng tìm hiểu trong phần này nhé!

Khám lâm sàng

Quá trình kiểm tra các triệu chứng lâm sàng cụ thể như sau:

Khai thác bệnh sử:

Hãy cung cấp thông tin đầy đủ, cụ thể cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bạn để việc chẩn đoán được chính xác hơn.

  • Tần suất.
  • Thời gian.
  • Lượng kinh.

Dựa vào những thông tin bạn cung cấp, bác sĩ sẽ xác định hiện tượng chảy máu có chu kỳ hay không. Chảy máu có chu kỳ thường liên quan đến có phóng noãn (rụng trứng).

Các đặc điểm khác bao gồm: Tuổi của bạn, tiền sử tình dục (xác định nguy cơ của bệnh lây truyền qua đường tình dục), các bệnh phụ khoa trước đó, sử dụng thuốc hoặc các hormon ngừa thai, các bệnh nội khoa mãn tính.

Khám thực thể:

Bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu toàn thân, đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của:

  • Nhược năng giáp.
  • Bệnh gan.
  • Tăng prolactin máu.
  • Các rối loạn ăn uống.
  • Bệnh đông máu.

Khám phụ khoa:

Việc khám phụ khoa sẽ rất cẩn thận, có thể bác sĩ sẽ:

  • Khám trực tràng phối hợp với nắn bụng.
  • Mục tiêu là để xác định có hay không có các tổn thương thực thể trên đường sinh dục của bạn.
Khám bệnh rong kinh
Khám bệnh rong kinh

Xét nghiệm cận lâm sàng

Tùy theo từng tình huống cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định các xét nghiệm, thăm dò phù hợp. Một số xét nghiệm đó là:

  • Công thức máu.
  • Test thử thai đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
  • Tế bào cổ tử cung.
  • Siêu âm phụ khoa (đường bụng, đường âm đạo) khảo sát tử cung và 2 phần phụ.
  • Xét nghiệm nội tiết tố phụ khoa: Estrogen, Progesterone, FSH, LH, Prolactin.
  • Xét nghiệm dịch âm đạo – cổ tử cung để tìm lậu cầu hoặc Trichomonas vaginalis nếu nghi ngờ.
  • Soi buồng tử cung.
  • Nạo sinh thiết từng phần ống cổ tử cung và niêm mạc tử cung.

Chẩn đoán xác định

Dựa vào kết quả khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng.

Chẩn đoán phân biệt

Có một số trường hợp ra máu cần phân biệt với bệnh rong kinh, đó là:

  • Ra máu từ đường tiêu hóa: Trĩ, ung thư đường tiêu hóa thấp.
  • Ra máu từ đường tiết niệu: Nhiễm trùng đường tiểu, u đường tiểu, sỏi đường tiểu.

Nguyên nhân gây bệnh rong kinh

Rong kinh, rong huyết có thể do nguyên nhân thực thể hay nguyên nhân cơ năng. Ngoài ra, nguyên nhân gây bệnh rong kinh còn được chia theo độ tuổi tuổi của nữ giới. Cụ thể như sau:

Nguyên nhân thực thể

  • Cơ quan sinh dục.
  • Bệnh toàn thân: Bệnh lý huyết học, bệnh lý nội tiết, suy gan, suy thận.
  • Dùng thuốc.
  • Suy dinh dưỡng, béo phì.

Nguyên nhân cơ năng

Nguyên nhân cơ năng liên quan đến sự rụng trứng trong chu kỳ, cụ thể như sau:

  • Không rụng trứng (80 – 90%): Quanh có kinh lần đầu (Trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng chưa trưởng thành). Quanh mãn kinh (Các nang trứng không đáp ứng).
  • Có rụng trứng (10 – 20%).
Xem ngay:  Tiểu nhắt khi có thai – Nguyên nhân và cách xử lý

Nguyên nhân theo độ tuổi

Trên lâm sàng, tùy theo tuổi của nữ giới, bệnh rong kinh có các nguyên nhân thường gặp sau:

  • Trước dậy thì: Dậy thì sớm, bướu.
  • Dậy thì: Nguyên nhân cơ năng, rối loạn đông máu, u bướu, viêm, biến chứng mang thai.
  • Sinh đẻ: Biến chứng mang thai, nguyên nhân cơ năng, u xơ tử cung, viêm sinh dục, polype kênh tử cung, u ác, chấn thương, rối loạn tuyến giáp.
  • Quanh mãn kinh: Nguyên nhân cơ năng, ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng, viêm sinh dục, biến chứng mang thai, rối loạn tuyến giáp.
  • Mãn kinh:.Viêm teo nội mạc tử cung/ âm đạo, dùng nội tiết estrogen, ung thư nội mạc tử cung, Polype cổ tử cung, nội mạc tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung, nguyên nhân khác (ung thư cổ tử cung, sarcoma tử cung, chấn thương).
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh
Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh

Phân loại bệnh rong kinh

Bộ Y tế phân loại bệnh rong kinh, rong huyết theo độ tuổi và theo bệnh lý gây ra rong kinh:

Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ

Để hiểu rõ hơn về bệnh rong kinh ở tuổi trẻ, đầu tiên bạn cần hiểu rõ về cơ chế của chu kỳ kinh nguyệt, cụ thể như sau:

Cơ chế của kinh nguyệt

  • Hoạt động của hệ trục: Dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.
  • FSH => buồng trứng, trứng phát triển. Nang trứng tiết ra estrogen => niêm mạc tử cung dày lên.
  • LH do tuyến yên tiết ra => trứng chín và rụng => nang chứa trứng tiết hormon progesterone.
  • Trường hợp trứng không thụ tinh, hormon giảm dần rồi mất hẳn => niêm mạc tử cung bong và chảy ra ngoài. Đó chính là đợt hành kinh của chu kỳ mới.
  • Vòng kinh không phóng noãn (rụng trứng): chỉ có estrogen => tụt đột ngột của estrogen => chảy máu kinh nguyệt.
  • Vòng kinh có phóng noãn: có hoàng thể => sự tụt đột ngột của estrogen và progesteron => chảy máu kinh nguyệt.

Nguyên nhân gây rong kinh, rong huyết tuổi trẻ

  • Do FSH và LH không đầy đủ để kích thích buồng trứng, nguyên nhân do rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi.
  • Thường là giai đoạn hoàng thể kém, không phóng noãn, không có giai đoạn hoàng thể.

Biểu hiện lâm sàng

  • Kinh nguyệt kéo dài, thường là máu tươi, xảy ra sau một vòng kinh dài (chậm kinh).
  • Toàn trạng thiếu máu.
  • Khám thực thể nhiều khi tử cung to mềm, cổ tử cung hé mở (cần phân biệt với sẩy thai).

Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh

Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh cần phải loại trừ các nguyên nhân ác tính.

  • Trong giai đoạn tiền mãn kinh sinh thiết niêm mạc tử cung thường có hình ảnh quá sản dạng tuyến nang, gặp nhiều gấp 10 lần so với lứa tuổi 20 – 45.
  • Trong giai đoạn sau mãn kinh hay gặp hình ảnh niêm mạc tử cung teo, niêm mạc tử cung không hoạt động.

Cường kinh (kinh nhiều)

So với hành kinh bình thường, lượng huyết ra nhiều. Rong kinh thường kèm với cường kinh.

Nguyên nhân:

  • Phần lớn do tổn thương thực thể ở tử cung: U xơ tử cung, Polype tử cung, lạc nội mạc tử cung tại cơ tử cung làm tử cung không co bóp được, niêm mạc tử cung khó tái tạo nên khó cầm máu, cũng có thể do tử cung kém phát triển, cường kinh cơ năng ít gặp hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh rong kinh
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh rong kinh

Rong kinh do chảy máu trước kinh

Có thể do tổn thương thực thể như:

  • Viêm niêm mạc tử cung.
  • Polype buồng tử cung.

Nhưng cũng có thể do giai đoạn hoàng thể ngắn:

  • Vì hoàng thể teo sớm, estrogen và progesterone giảm nhanh.

Rong kinh do chảy máu sau kinh

Nguyên nhân thực thể:

  • Khá thường gặp.
  • Có thể do viêm niêm mạc tử cung.
  • U xơ tử cung.
  • Polype buồng tử cung.
  • U ác tính trong buồng tử cung.

Nguyên nhân cơ năng:

  • Có thể do niêm mạc tử cung có những vùng bong chậm hoặc những vùng tái tạo chậm.

Điều trị bệnh rong kinh

Rong kinh có chữa dứt điểm được không? Việc điều trị bệnh rong kinh có phức tạp không? Sau đây là thông tin cụ thể về quá trình điều trị bệnh rong kinh để bạn tham khảo:

Nguyên tắc chung, mục tiêu điều trị

Điều trị rong kinh bao gồm:

  • Điều trị nguyên nhân (nếu có).
  • Làm ngừng tình trạng chảy máu từ niêm mạc tử cung.
  • Tái lập chu kỳ kinh bình thường (nếu bạn nằm trong độ tuổi sinh đẻ).
  • Điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng: Truyền máu/ các sản phẩm từ máu nếu thiếu máu nặng, tăng cường dinh dưỡng giàu đạm, bổ sung sắt.
Xem ngay:  Bệnh bất túc cổ tử cung đáng sợ như thế nào?

Quy trình điều trị bệnh rong kinh

Khi bạn bị rong kinh – rong huyết, tùy tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể.

Khi bạn bị rong kinh – rong huyết, tùy tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể
Khi bạn bị rong kinh – rong huyết, tùy tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị cụ thể

Ra huyết nhiều:

  • Bác sĩ sẽ đánh giá tổng trạng: Số lượng máu mất, hct, Hb. Nhập viện.

Ra huyết ít:

  • Nguyên nhân thực thể: Xử trí theo nguyên nhân.
  • Nguyên nhân cơ năng: Quy trình thực hiện là cầm máu sau đó tái tạo chu kỳ. Xử lý theo độ tuổi (tuổi trẻ, tuổi sinh đẻ, tuổi mãn kinh).

Quy trình điều trị rong kinh, rong huyết tuổi trẻ

  • Siêu âm đánh giá nội mạc: Mỏng thì cầm máu bằng estrogen. Dày thì cầm máu bằng progestin.
  • Tái tạo chu kỳ: Thuốc ngừa thai viên phối hợp 1 viên/ngày trong 1 – 3 tháng.
  • Nếu tái phát: Điều trị tương tự lần đầu thêm 1 – 2 đợt nữa.
  • Nếu vẫn tái phát: Hội chẩn viện.

Quy trình điều trị rong kinh ở tuổi mãn kinh

  • Loại trừ nguyên nhân ác tính: Siêu âm, nạo sinh thiết từng phần.
  • Sau khi đã loại trừ nguyên nhân ác tính, bắt đầu điều trị: Dùng progestin vào nửa chu kỳ sau, liên tục từ 3 – 6 tháng.
  • Nếu điều trị không đáp ứng hoặc tái phát nhiều lần: Hội chẩn viện.

Quy trình điều trị rong kinh ở tuổi sinh đẻ

  • Loại trừ nguyên nhân do thai: Siêu âm, xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ HCG.
  • Nếu bạn không có thai, bác sĩ sẽ điều trị cho bạn giống phác đồ dành cho nhóm tuổi trẻ.
  • Nếu không đáp ứng: Hội chẩn viện.

Phương pháp điều trị rong kinh do nguyên nhân cơ năng

Áp dụng phương pháp điều trị nội khoa, ngoại khoa, hoặc hướng dẫn chuyển tuyến. Rong kinh rong huyết cần được bác sĩ sản phụ khoa điều trị tại cơ sở y tế tuyến Huyện trở lên. Phần này chủ yếu đề cập đến xử trí rong kinh rong huyết cơ năng.

Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ

  • Bước đầu tiên là loại trừ những nguyên nhân ác tính, các bệnh về máu nhất là ở những người con gái trong lần thấy kinh đầu tiên đã bị rong kinh, sau đó mới đặt vấn đề điều trị cầm máu.
  • Nạo bằng hormon.
  • Để phòng rong kinh trong vòng kinh sau cho tiếp vòng kinh nhân tạo.
  • Nếu trong trường hợp rất hạn hữu, điều trị bằng mọi biện pháp không kết quả mới phải nạo buồng tử cung bằng dụng cụ.

Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh

Điều trị triệu chứng tốt nhất là nạo niêm mạc tử cung, có 3 lợi ích:

  • Cầm máu nhanh (đỡ mất máu).
  • Giải phẫu bệnh lý (loại trừ ác tính).
  • Xác định rõ ràng tình trạng quá sản niêm mạc tử cung (điều trị hormon tiếp theo).

Ngày nạo được tính là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh tới.

Thông thường bác sĩ sẽ cho bạn toa thuốc uống trong 3 vòng kinh liền.

Siêu âm khám phụ khoa khi bị bệnh rong kinh
Siêu âm khám phụ khoa khi bị bệnh rong kinh

Rong kinh, rong huyết tuổi sinh đẻ (18 – 45 tuổi)

Quá trình điều trị bệnh rong kinh ở độ tuổi này được tiến hành như sau:

Cường kinh (kinh nhiều)

Trẻ tuổi:

  • Tử cung co bóp kém: thuốc co tử cung.
  • Tử cung kém phát triển: vòng kinh nhân tạo hoặc cho viên thuốc tránh thai nửa sau chu kỳ kinh.

Lớn tuổi:

  • Nếu có tổn thương thực thể nhỏ chưa có chỉ định phẫu thuật có thể chỉ định thuốc vài ngày trước khi hành kinh.
  • Cũng có thể gây vô kinh 3 – 4 tháng liền.

Trên 40 tuổi:

  • Điều trị thuốc không hiệu quả nên mổ cắt tử cung.

Rong kinh do chảy máu trước kinh

  • Trên 35 tuổi: nạo niêm mạc tử cung.
  • Thuốc: theo toa bác sĩ.

Rong kinh do chảy máu sau kinh

  • Trước hết phải loại trừ nguyên nhân thực thể.
  • Nếu do hoàng thể kéo dài thì cho progestin hoặc estrogen kết hợp với progestin vào vòng kinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi ngưng thuốc vài ngày, niêm mạc tử cung sẽ bong gọn và không rong kinh.
  • Nếu do niêm mạc tử cung tái tạo chậm có thể cho Ethinyl – estradiol 0,05 mg vào vòng kinh theo hướng dẫn của bác sĩ.

Rong kinh do quá sản tuyến nang niêm mạc tử cung

  • Nạo niêm mạc buồng tử cung (50% khỏi trong một thời gian dài).
  • Thuốc: dùng theo toa bác sĩ trong 3 tháng.
  • Có thể xem xét mổ cắt tử cung ở phụ nữ trên 40 tuổi, đã đủ con.

Phòng ngừa bệnh rong kinh và kiểm soát biến chứng của bệnh

Nếu bạn bị bệnh rong kinh cơ năng kéo dài, không được điều trị sớm và đúng phương pháp sẽ dẫn đến:

  • Thiếu máu nhược sắc.
  • Suy nhược cơ thể.

Rong kinh do nguyên nhân thực thể có khả năng khỏi bệnh sau điều trị (tiên lượng) tùy theo từng bệnh cảnh lành tính hay ác tính.

Bệnh rong kinh khiến cơ thể suy nhược mệt mỏi
Bệnh rong kinh khiến cơ thể suy nhược mệt mỏi

Rong kinh do nguyên nhân cơ năng nhìn chung có tiên lượng tốt.

Để dự phòng tái phát bệnh cũng như phòng ngừa biến chứng bệnh rong kinh, bạn cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm và đến khám sớm tại cơ sở y tế uy tín nếu có hiện tượng ra máu bất thường từ đường sinh dục.

Như bạn đã thấy, để điều trị bệnh rong kinh cần rất nhiều sự kiên trì và quyết tâm tuân thủ phác đồ bác sĩ đưa ra. Do có nhiều nguyên nhân bệnh lý khác nhau gây ra rong kinh nên bạn cần được thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín. Bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn và hướng dẫn bạn những điều cần lưu ý khi bị bệnh rong kinh.

Hi vọng thông tin trong bài viết này của Phòng khám Ana sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện về bệnh rong kinh, để không phải âm thầm chịu đựng nỗi lo lắng về bệnh. Đừng chủ quan khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe của mình bạn nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *