Ngày nay, với sự phát triển của y học, tật hở hàm ếch hoàn toàn có thể điều trị được! Khi con bạn không may gặp phải dị tật này, bạn lo lắng không biết trẻ bị tật hở hàm ếch có hoà nhập với cuộc sống bình thường được không? Chữa trị như thế nào? Bạn sẽ hiểu tất cả sau khi xem bài viết này. Hãy cùng theo dõi nhé!

Tật hở hàm ếch là gì?
Tật hở hàm ếch là một trong những dị tật bẩm sinh hàm mặt phổ biến nhất. Ở trẻ bị tật hở hàm ếch, các hộ phận hình thành nên phần vòm miệng bị hở thay vì khép kín lại với nhau như bình thường. Thuật ngữ y học gọi là khe hở hàm ếch.
Các khe hở khác có thể hình thành ở phần môi, khiến bé bị tật sứt môi. Thực tế tật sứt môi và tật hở hàm ếch có khi xảy ra riêng biệt, có khi xảy ra cùng lúc ở bé.
Tật hở hàm ếch nếu có kèm theo sứt môi ảnh hưởng đến nhiều cấu trúc giải phẫu khuôn mặt (môi, mũi, răng, xương hàm,…) và các chức năng quan trọng của trẻ (nghe, phát âm, nhai,…). Cụ thể:
- Chức năng bú mút và chức năng nuốt: ảnh hưởng nhiều đến bé trong giai đoạn sơ sinh và chủ yếu làm bé sặc khi bú sữa.
- Chức năng nhai.
- Chức năng phát âm: giọng mũi hở, đây là chức năng bị ảnh hưởng trầm trọng nhất bởi tật hở hàm ếch.
- Chức năng hô hấp.
- Chức năng thính giác: ảnh hưởng do vòi nhĩ thường bị tắc và trẻ bị tật hở hàm ếch rất dễ bị viêm tai giữa.
Đồng thời vấn đề về thẩm mỹ do tật hở hàm ếch – sứt môi gây ra khiến tâm lý của trẻ bị ảnh hưởng khi lớn lên. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ có con bị dị tật này cũng bị rối loạn tâm lý.
Vì tật hở hàm ếch cũng được xem là một vấn đề lớn của xã hội chứ không riêng gì gia đình bạn! Nên thay vì lo lắng buồn rầu, bạn hãy bình tĩnh tìm hiểu về dị tật này cũng như điều trị cho con theo phác đồ của các bác sĩ chuyên khoa. Hãy tin rằng không có gì là không thể nếu bạn và gia đình cố gắng hết sức vì con!

Phân loại
Có nhiều cách phân loại tật hở hàm ếch:
Phân loại dựa trên khám lâm sàng
- Hở hàm ếch trong vòm miệng.
- Hở hàm ếch đi kèm theo sứt môi.
- Hở hàm ếch dưới niêm mạc miệng (ở các cơ vòm miệng).

Phân loại dựa trên vị trí các khe hở hàm mặt
Như đã trình bày ở trên, tật hở hàm ếch còn được gọi là dị tật khe hở hàm ếch, thường đi kèm với sứt môi (dị tật khe hở môi).
Dựa trên phôi thai học vùng hàm mặt về sự hình thành khe hở môi và hàm ếch, việc phân loại tật hở hàm ếch và tật hở môi được áp dụng ngày nay liên quan đến vị trí các khe hở. Cụ thể như sau:
Khe hở tiên phát
- Là khe hở hình thành phía trước cửa lỗ mũi.
- Gồm các dị tật hở môi, như:
- Khe hở môi một bên.
- Khe hở môi hai bên.
- Khe hở cung răng.
- Khe hở môi đến vòm miệng, một bên hoặc hai bên.
Khe hở thứ phát
- Là khe hở hình thành phía sau cửa lỗ mũi.
- Gồm các dị tật hở hàm ếch, như:
- Khe hở hàm ếch mềm.
- Khe hở hàm ếch mềm và hàm ếch cứng.
- Khe hở hàm ếch toàn bộ một bên hoặc hai bên.
Khe hở toàn bộ
- Là khe hở hình thành từ trước (môi) ra phía sau.
- Gồm dị tật hở hàm ếch đi kèm với dị tật hở môi:
- Khe hở môi – hàm ếch toàn bộ một bên hoặc hai bên.
Các khe hở hiếm gặp khác không phải dị tật hở hàm ếch – hở môi
- Ngoài khe hở môi – khe hở hàm ếch, còn có nhiều loại dị tật bẩm sinh khác liên quan đến khe hở vùng hàm mặt, như:
- Khe hở môi dưới.
- Khe hở ngang mặt.
- Khe hở mặt chéo,…
- Các loại khe hở hiếm gặp này thường kết hợp với một hội chứng, có thể liên quan hoặc không liên quan đến di truyền.
Bài viết này tập trung cung cấp đến bạn thông tin về tật hở hàm ếch, thuộc về dị tật khe hở thứ phát và khe hở toàn bộ.
Nguyên nhân gây ra tật hở hàm ếch ở trẻ
Do các hội chứng dị tật bẩm sinh
Tật hở hàm ếch có thể liên quan đến hội chứng dị tật bẩm sinh.
- Những trường hợp này được gọi là: Dị tật bẩm sinh trong các hội chứng (Syndromic Congenital malformation).
- Nhiều hội chứng có liên quan đến tật hở hàm ếch như:
- Hội chứng Down.
- Hội chứng tam nhiễm sắc thể 13.
- Hội chứng tam nhiễm sắc thể 18.
Do các yếu tố nguy cơ khác ảnh hưởng lên mẹ bé trong thời gian mang thai
- Những trường hợp này được gọi là: Dị tật bẩm sinh không liên quan các hội chứng (Non – syndromic Congenital malformation).
- Nhiều yếu tố nguy cơ như:
- Yếu tố di truyền gia đình: cha mẹ có dị tật hở hàm ếch thì nguy cơ sinh con bị dị tật này cũng nhiều hơn. Đây là yếu tố nguy cơ cao nhất, nhiều gen đã được xác định liên quan đến tật hở hàm ếch và có tính gia đình.
- Tuổi của cha mẹ: tuổi càng lớn nguy cơ càng cao. Bác sĩ luôn lưu ý về độ tuổi của mẹ khi mang thai.
- Sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai: thuốc chống động kinh, thuốc ngủ, corticoid, thuốc chống đông, thuốc hạ huyết áp, thuốc giãn mạch ngoại biên,…Đây là yếu tố nguy cơ cao thứ hai, nguy hiểm nhất là khi mẹ bầu sử dụng thuốc vào khoảng tuần thứ 6 đến tuần thứ 9 của thai kỳ.
- Bệnh lý: tiểu đường, nhiễm siêu vi trùng, cúm, sởi,… Mẹ bầu bị một trong các bệnh lý này khi mang thai sẽ có nguy cơ sinh con bị tật hở hàm ếch cao gấp 2 đến 7 lần so với người bình thường.
- Cha mẹ nhiễm phóng xạ hoặc tiếp xúc một số hóa chất độc hại trong công việc.
- Thuốc lá, rượu.
- Béo phì.
- Stress: yếu tố thần kinh liên quan đến những lo âu, buồn phiền, căng thẳng của mẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể khiến thai nhi bị ảnh hưởng.
- Thiếu acid folic, vitamin A,…
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Tầm soát và chẩn đoán tật hở hàm ếch ở trẻ
Siêu âm, xét nghiệm chẩn đoán sớm các dị tật bẩm sinh của thai
Khi mang thai, mẹ bầu nên lưu ý những thời điểm siêu âm bắt buộc để xác định thai nhi có phát triển bình thường hay không. Vì đây là cách hiệu quả và đơn giản để phát hiện các dị tật bẩm sinh:
- Khi thai được 12 tuần đến 14 tuần:
- Siêu âm thời gian này giúp dự đoán dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dị tật.
- Nếu có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, mẹ bầu sẽ cần làm xét nghiệm chọc ối để chẩn đoán dị tật và siêu âm hình thái xem có dị dạng không vào tuần thứ 18 của thai kỳ.
- Khi thai được 21 tuần đến 24 tuần:
- Siêu âm lúc này có thể giúp phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái của thai như tật hở hàm ếch, sứt môi, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng.
- Lần siêu âm này rất quan trọng vì nếu cần đình chỉ thai nghén thì cần thực hiện trước tuần thứ 28.
Chúng ta không ngăn chặn được tật hở hàm ếch khi tật hình thành trong thai nhi, việc được chẩn đoán sớm hỗ trợ bạn giảm nguy cơ tử vong cho con khi vừa trào đời, đồng thời cũng có thời gian chuẩn bị kế hoạch điều trị cho bé theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không phải phòng siêu âm nào cũng phát hiện được dị tật thai, do vậy hãy đến cơ sở y tế uy tín để được hướng dẫn tốt nhất. Khi bạn thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao sinh con bị tật hở hàm ếch, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn giúp bạn xác định cụ thể hơn nguy cơ con bạn sinh ra có thể bị tật hở hàm ếch hay không.

Khám lâm sàng
Tật hở hàm ếch thường gặp
Thông thường, tật hở hàm ếch trong vòm miệng có thể nhận diện ngay lập tức sau khi bé được sinh ra với các biểu hiện như sau:
- Trên vòm miệng xuất hiện khe hở (vết nứt) nhưng không ảnh hưởng đến vẻ ngoài của khuôn mặt. Đây là trường hợp bé chỉ bị tật hở hàm ếch đơn thuần.
- Trên vòm miệng xuất hiện khe hở (vết nứt), khe hở có thể kéo dài từ môi xuyên qua nướu trên và vòm miệng rồi dừng lại ở phần dưới mũi trong trường hợp bé bị sứt môi đi cùng với hở hàm ếch, dị tật này gây ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên của khuôn mặt bé.
- Trường hợp khe hở một bên, miệng sẽ thông thương với một bên mũi, nhưng nếu là khe hở hàm ếch hai bên, miệng sẽ thông thương với cả hai bên mũi, với xương lá mía có thể nhìn thấy từ trong miệng.
Tật hở hàm ếch hiếm gặp
Là tật hở hàm ếch ở các cơ vòm miệng (hở hàm ếch dưới niêm mạc miệng), xuất hiện phía sau miệng và được bao phủ bởi lớp niêm mạc miệng.
Dạng tật hở hàm ếch này thường không được chú ý và không thể chẩn đoán cho đến khi các biểu hiện tiến triển. Dấu hiệu và triệu chứng của tật hở hàm ếch dưới niêm mạc có thể bảo gồm:
- Khó nuốt.
- Nói bằng giọng mũi.
- Nhiễm trùng tai tái phát thường xuyên.
Điều trị tật hở hàm ếch
Tùy tình trạng sức khỏe của bé và mức độ tổn thương do tật hở hàm ếch gây ra mà bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị cụ thể cho con bạn.

Sau đây là phác đồ chung điều trị tật hở hàm ếch đi kèm tật hở môi (nếu có) để bạn tham khảo, phác đồ này được các chuyên gia đề nghị thực hiện bao gồm thời điểm và các can thiệp điều trị như sau:
Phác đồ điều trị toàn diện về tật hở hàm ếch – tật hở môi
Sơ sinh
- Hướng dẫn chế độ nuôi dưỡng.
- Khâu đính môi trong trường hợp khe hở môi toàn bộ (một bên hoặc hai bên):
- Một số chuyên gia cho rằng việc điều trị phẫu thuật vá môi cho bé nên được tiến hành sớm ngay trong những tuần đầu sau khi sinh.
- Lí do là vì điều đó sẽ giúp bé có thể sớm phục hồi chức năng cũng như giảm bớt áp lực tâm lý cho gia đình.
- Tuy vậy, việc phẫu thuật quá sớm đôi khi không đạt được hiệu quả thẩm mỹ. Do đó, khi bé được 10 tuần – 12 tuần tuổi (tức khoảng từ 3 tháng – 6 tháng tuổi), cần phải tiến hành thêm phẫu thuật sửa môi bé.
3 tháng – 6 tháng tuổi
- Chỉnh hình môi mũi (nếu có chỉ định).
- Phẫu thuật tạo hình môi thì đầu.
- Tại Việt Nam, bác sĩ thường phẫu thuật tật khe hở môi (sứt môi) cho bé khi bé được 6 tháng và có cân nặng 6,5 kg.
18 tháng tuổi
- Phẫu thuật tạo hình hàm ếch.
- Tại Việt Nam, bác sĩ thực hiện phẫu thuật đóng khe hở trong tật hở hàm ếch khi bé 18 tháng tuổi, lúc bé bắt đầu tập nói.
24 tháng tuổi
- Tập phát âm.
- Phẫu thuật sửa môi mũi thì hai, sửa chữa biến chứng thủng hàm ếch (nếu có).
3 tuổi – 5 tuổi
- Tiếp tục tập phát âm.
- Phẫu thuật sửa mũi môi thì ba.
- Phẫu thuật sửa chữa biến chứng hàm ếch (nếu có).
6 tuổi – 9 tuổi
- Chỉnh hình xương hàm, nới rộng hàm (nếu cần).
- Chỉnh hình kích thích tăng trưởng xương hàm trên ra trước (nếu cần).
9 tuổi – 12 tuổi
- Ghép xương ổ răng tạo điều kiện hình thành cầu nối vùng khe hở cung răng và răng mọc vào đúng vị trí trên cung hàm.
- Chỉnh hình răng toàn diện.
12 tuổi – 15 tuổi
- Hoàn tất chỉnh nha toàn diện.
- Phẫu thuật hàm ếch vạt thành hầu những trường hợp thiểu năng màn hầu hoặc ngắn màn hầu (nếu có).
- Phục hình chỉnh âm trường hợp không phẫu thuật được.
15 tuổi – 18 tuổi
- Phẫu thuật chỉnh hình xương.
- Hoàn tất chỉnh nha và phục hình răng, tái lập khớp cắn chức năng.
Những lưu ý cha mẹ phải biết khi điều trị tật hở hàm ếch cho con
Điều trị tật hở hàm ếch không chỉ là đóng kín khe hở hàm ếch và khe hở môi (nếu có), mà phải là giúp con bạn được sống cuộc sống bình thường. Cụ thể như sau:
- Với mục tiêu phục hồi tối đa về phương diện chức năng và thẩm mỹ,bao gồm:
- Thẩm mỹ môi.
- Thẩm mỹ mũi.
- Thẩm mỹ răng.
- Chức năng nhai.
- Chức năng phát âm.
- Chức năng nghe.
- Điều trị toàn diện đòi hỏi sự tham gia của nhiều chuyên khoa, bao gồm:
- Chuyên khoa phẫu thuật tạo hình/ phẫu thuật hàm mặt.
- Chuyên khoa chỉnh âm.
- Chuyên khoa chỉnh hình răng hàm mặt.
- Chuyên khoa Tai Mũi Họng.
- Điều trị phẫu thuật phải triệt để, thực hiện nhiều lần, chứ không phải một lần phẫu thuật là đạt được yêu cầu. Trong đó:
- Điều trị phẫu thuật môi mũi và khe hở cung răng được tiến hành từ lúc sơ sinh đến phẫu thuật lần hai, lần ba,… tùy theo từng trường hợp.
- Điều trị phẫu thuật khe hở hàm ếch bao gồm: phẫu thuật vá hàm ếch, phẫu thuật phục hồi chức năng màn hầu, phẫu thuật vá lỗ thủng sau mổ.
- Điều trị chỉnh hình răng và chỉnh hình xương là rất cần thiết để giúp bé trở lại cuộc sống bình thường.
- Phải điều trị phục hồi chức năng phát âm cho trẻ.
Để đạt được điều đó, quan trọng hơn hết là cha mẹ, người thân chăm sóc bé cũng phải kiên trì giúp đỡ bé!
Phòng ngừa tật hở hàm ếch
Tư vấn về di truyền
Nếu gia đình bạn có người thân từng bị tật hở hàm ếch hoặc sứt môi, khi dự định mang thai, bạn có thể được bác sĩ tư vấn về nguy cơ sinh con bị tật hở hàm ếch và cách chẩn đoán sớm dị tật này trong quá trình mang thai.
Bổ sung vitamin và khoáng chất
Nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh sẽ giảm đi khi mẹ bầu bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết trước và trong giai đoạn mang thai.
Tránh hút thuốc, rượu, bia khi mang thai
Nguy cơ sinh con bị tật hở hàm ếch gia tăng khi bạn sử dụng các chất có cồn. Vì vậy hãy tránh tuyệt đối các chất này bạn nhé!
Báo cho bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng
Có thể bạn đang điều trị một bệnh trước khi biết mình mang thai hoặc có ý định mang thai, vì có một số thuốc gây độc cho thai nên bạn hãy nhớ hỏi ý kiến bác sĩ điều trị cho bạn để nhận được sự hướng dẫn hay thay đổi phù hợp nhất.
Các câu hỏi thường gặp về tật hở hàm ếch
Cách chăm sóc trẻ bị tật hở hàm ếch trước và sau khi phẫu thuật?
Do bé còn quá nhỏ nên việc chăm sóc sau phẫu thuật cho bé bị tật hở hàm ếch rất quan trọng. Bạn cần lưu ý những điều sau:
Trước khi phẫu thuật
- Tập cho bé ăn bằng thìa, muỗng.
- Cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để bé có đủ sức khỏe thực hiện phẫu thuật.
- Cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ răng miệng, tránh các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp bằng cách:
- Giữ bàn tay bé tránh xa miệng.
- Không để bé chạm tay hay để vật cứng, đồ chơi vào miệng.
Sau khi phẫu thuật
- Dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
- Nếu bé có tật sứt môi kèm theo, sau khi vá môi, lưu ý:
- Giữ vết thương môi càng khô càng tốt.
- Mỗi khi vệ sinh miệng cho bé cần lại miệng nhẹ nhàng bằng vải mềm.
- Sau khi bé vá vòm, do phẫu thuật này tiến hành khi bé lớn hơn nên cần nhớ:
- Tránh cho bé ăn những thức ăn cứng như bánh quy.
- Không cho bé ngậm đồ vật quá cứng.
- Bạn lưu ý chăm sóc vết thương, theo dõi tránh nhiễm trùng vết mổ, cắt chỉ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Cách cho trẻ ăn sau khi phẫu thuật tật hở hàm ếch có khó không?
Mẹ bé và người thân chăm sóc bé cần lưu ý những điều sau:
Sau khi phẫu thuật 1 tuần
- Bạn cần cho bé uống sữa bằng muỗng, thìa.
- Tuyệt đối không cho bé bú bình hay bú mẹ.
- Bé có thể uống nước trái cây hay nước cháo loãng.
- Nếu bé còn bú mẹ, mẹ vắt sữa rồi cho bé uống bằng muỗng, thìa.
Bắt đầu tuần thứ hai sau khi phẫu thuật
- Ngoài các thức ăn duy trì trước đó, đối với bé lớn hơn có thể cho bé ăn cháo đặc có đầy đủ dưỡng chất như thịt, cá, trứng, rau, củ, quả,…
Sang tuần lễ thứ ba sau khi phẫu thuật
- Đối với bé lớn có thể cho bé ăn cơm nghiền nát nhỏ.
1 tháng sau khi phẫu thuật
- Bé có thể ăn uống như bình thường.
Những biểu hiện bất thường ở bé sau phẫu thuật tật hở hàm ếch?
Những dấu hiệu bất thường như sau nếu có, bạn cần đưa bé đến ngày cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ khám và tư vấn:
- Không ăn.
- Khóc nhiều kèm theo sốt cao trên 38 độ C.
- Tăng đỏ vùng vết thương.
- Có dấu hiệu nhiễm khuẩn vết thương.
- Khó thở.
- Xuất hiện lỗ hổng vùng vết thương mới vá.
Bạn đừng vì quá lo lắng mà suy sụp, xã hội và cộng đồng luôn quan tâm hỗ trợ các bé để gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như giáo dục!
Hi vọng với những thông tin về tật hở hàm ếch trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về dị tật này trong quá trình điều trị cho con.