Bạn đang bị chứng loạn sản cổ tử cung? Bạn lo lắng về nguy cơ bị ung thư cổ tử cung do loạn sản cổ tử cung? Sự thật về mối tương quan giữa chứng loạn sản cổ tử cung và ung thư cổ tử cung sẽ được “phơi bày” hoàn toàn trong bài viết này. Đừng bỏ lỡ nhé!
Chứng loạn sản cổ tử cung là gì?
Chứng loạn sản cổ tử cung là những thay đổi bất thường tại tử cung, cụ thể là tại các tế bào trong niêm mạc của cổ tử cung.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, những tế bào bất thường này có thể tiến triển âm thầm, sau nhiều năm sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Do vậy, loạn sản cổ tử cung thường là một tình trạng tiền ung thư (giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung).
Bệnh có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng tùy theo thời điểm phát hiện sớm hay muộn. Ngày nay, việc kiểm soát được chứng loạn sản cổ tử cung chính là chìa khóa “vàng” để phòng và điều trị ung thư cổ tử cung ở nữ giới!
Phân loại chứng loạn sản cổ tử cung
Thuật ngữ CIN dùng để xác định có bao nhiêu lớp niêm mạc cổ tử cung bị xâm lấn bởi các tế bào bất thường. Dựa vào thuật ngữ này, chứng loạn sản cổ tử cung được chia làm 3 giai đoạn:
CIN I (Giai đoạn loạn sản nhẹ)
Giai đoạn loạn sản cổ tử cung nhẹ, có đặc điểm:
- Các tế bào bất thường được tìm thấy ở trong 1/3 của niêm mạc cổ tử cung.
- Thường gặp ở phụ nữ có độ tuổi từ 25 đến 35 tuổi.
- 45% trường hợp là bị loạn sản nhẹ và không cần điều trị. Các tế bào bất thường sẽ dần dần trở lại bình thường sau đó.
CIN II (Giai đoạn loạn sản vừa)
Giai đoạn loạn sản cổ tử cung vừa, có đặc điểm:
- Các tế bào bất thường có thể được tìm thấy trong 2/3 của niêm mạc cổ tử cung.
CIN III (Giai đoạn loạn sản nặng)
Giai đoạn loạn sản cổ tử cung nặng, có đặc điểm:
- Các tế bào bất thường có thể được tìm thấy trong hơn 2/3 của niêm mạc cổ tử cung.
Giai đoạn này còn được gọi là ung thư cổ tử cung tại chỗ do:
- Toàn bộ lớp tế bào biểu mô cổ tử cung là tế bào loạn sản.
- Những tế bào loạn sản chưa xuyên qua lớp tế bào đáy để xâm nhập vào các tổ chức dưới biểu mô.
- Thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 30 đến 40 tuổi.
Nếu tế bào loạn sản nặng không được điều trị thì chứng loạn sản cổ tử cung sẽ trở thành ung thư cổ tử cung xâm lấn, với các đặc điểm:
- Phát triển, xuyên qua lớp tế bào đáy của cổ tử cung.
- Xâm lấn sang các cơ quan và tổ chức khác của cổ tử cung.
Nguyên nhân gây chứng loạn sản cổ tử cung
Chứng loạn sản cổ tử cung xuất hiện do 2 nhóm yếu tố nguyên nhân chính sau đây:
Virus HPV
Chứng loạn sản cổ tử cung có liên quan chặt chẽ đến virus papilloma (HPV).
HPV là virus gây u nhú phổ biến, qua nhiều nghiên cứu cho thấy phần lớn phụ nữ bị chứng loạn sản cổ tử cung đều có virus HPV trong tế bào cổ tử cung.
Là nữ giới, hầu hết chúng ta sẽ bị nhiễm virus HPV ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. HPV ảnh hưởng đến cả những bạn có quan hệ tình dục khi dưới 20 tuổi. Nhiễm HPV rất thường gặp ở cả nam giới và nữ giới.
Khi nhiễm HPV, đa số các trường hợp, hệ miễn dịch sẽ làm sạch tình trạng nhiễm trùng sau khi loại bỏ HPV. Nếu chẳng may cơ thể bạn không làm sạch được nhiễm trùng thì những tổn thương này sẽ tiến triển thành chứng loạn sản cổ tử cung.
HPV lây truyền qua đường tình dục (bao gồm cả quan hệ qua đường miệng, đường hậu môn) hoặc do tiếp xúc da với người bị bệnh. Virus có thể lây truyền từ một phần của cơ thể đến những cơ quan khác, trong đó có cổ tử cung.
Suy giảm hệ thống miễn dịch
Chứng loạn sản cổ tử cung và nhiễm HPV mạn tính dễ tấn công bạn nếu hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu do một số yếu tố sau:
- Điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch khi bị một số bệnh.
- Sau khi cấy ghép cơ quan, nội tạng.
- Nhiễm HIV/ AIDS.
- Hút thuốc lá: Phụ nữ bị nhiễm HPV mạn tính có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần nếu có hút thuốc. Vì thuốc lá gây suy yếu hệ thống miễn dịch.
Đối tượng nguy cơ mắc chứng loạn sản cổ tử cung
Phụ nữ từ 25 đến 35 tuổi, người đã có quan hệ tình dục. Bạn sẽ có nguy cơ mắc chứng loạn sản cổ tử cung cao hơn nếu:
- Bị bệnh gây ức chế hệ thống miễn dịch.
- Dùng thuốc gây ức chế miễn dịch.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Quan hệ tình dục với nhiều người.
- Quan hệ tình dục trước 18 tuổi.
- Sinh con quá sớm (trước tuổi 16).
- Hút thuốc lá.
Triệu chứng cảnh báo nguy cơ chứng loạn sản cổ tử cung
Loạn sản cổ tử cung khi mắc phải có gây ra triệu chứng gì bất thường không? Hãy cùng tìm hiểu theo từng giai đoạn của bệnh lý này:
Giai đoạn sớm của chứng loạn sản cổ tử cung
Hầu như việc chẩn đoán và điều trị chứng loạn sản cổ tử cung sớm dựa vào kiểm tra Pap định kỳ khi bạn khám phụ khoa.
Bệnh không có dấu hiệu hay triệu chứng báo trước khi ở giai đoạn sớm.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Cách tránh thai theo chu kỳ kinh nguyệt “chuẩn” hướng dẫn của Bộ Y tế
- Top 7 dấu hiệu có thai sớm nhất cực chính xác
Giai đoạn muộn hơn của chứng loạn sản cổ tử cung
Sẽ có thể xuất hiện một số triệu chứng, nhưng không rõ ràng và thường làm bạn nhầm lẫn với một số bệnh phụ khoa khác:
- Ra máu âm đạo bất thường, cụ thể là: Giữa chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau thụt rửa âm đạo, sau một thời gian dài mãn kinh.
- Đau bụng vùng tiểu khung.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Xuất hiện nhiều khí hư màu trắng, mùi hôi,…
Tầm soát và chẩn đoán chứng loạn sản cổ tử cung
Chứng loạn sản cổ tử cung chỉ được chẩn đoán chính xác sau khi tiến hành xét nghiệm Pap và phát hiện sự bất thường của một số tế bào.
Lâm sàng và cận lâm sàng
Khám phụ khoa định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm chứng loạn sản cổ tử cung.
Phương pháp cận lâm sàng: Soi cổ tử cung.
Chẩn đoán tế bào học phụ khoa
Các tổn thương nghi ngờ khi soi cổ tử cung cần được bấm sinh thiết làm mô bệnh học. Có các kỹ thuật:
- Papanicolaou (Pap) thông thường.
- Kỹ thuật Thin Prep.
- Phương pháp tế bào học chất lỏng thế hệ 2 (Liqui Prep).
Chẩn đoán tế bào học theo phân loại Bethesda cải tiến 2001 dựa vào các loại tế bào trong xét nghiệm Pap như sau:
Tế bào vẩy
- ASCUS – Tế bào vẩy không điển hình: Bất thường nhẹ ở tử cung, kết quả do nhiễm trùng, dị ứng, thay đổi tiền ung thư. Đây là loại phổ biến nhất về bất thường cổ tử cung. Ý nghĩa chưa xác định. Không thể loại trừ tổn thương nội biểu mô vẩy độ cao (ASCUS – H).
- LSIL – Tổn thương tế bào nội biểu mô vẩy độ thấp, bao gồm: HPV, loạn sản nhẹ/ CIN I, loạn sản nhẹ, có khả năng gây ra bởi virus gây u nhú HPV. Đây là loại phổ biến nhất của chứng loạn sản cổ tử cung.
- HSIL – Tổn thương tế bào nội biểu mô vẩy độ cao, bao gồm: Loạn sản trung bình/ CIN II, nếu không được điều trị có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung, loạn sản nghi ngờ ung thư xâm nhập, ung thư tế bào biểu mô vẩy.
Tế bào biểu mô tuyến
- AGUS – Tế bào biểu mô tuyến không điển hình: Tế bào tuyến cổ tử cung liên quan tân sản ác tính, tế bào tuyến liên quan tân sản ác tính.
- Ung thư tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung tại chỗ.
- Ung thư tế bào biểu mô tuyến: Biểu mô tuyến cổ tử cung, biểu mô tuyến nội mạc tử cung, biểu mô tuyến ngoài tử cung, biểu mô tuyến không định loại (NOS).
AGUS đề cập đến tế bào tuyến có thể có nguồn gốc trong ống tử cung hoặc tử cung. AGUS có thể chỉ ra các điều kiện nghiêm trọng tiềm ẩn. Kết quả này khá hiếm, chỉ chiếm 1% trong xét nghiệm Pap.
Điều trị chứng loạn sản cổ tử cung
Quá trình chứng loạn sản cổ tử cung tiến triển thành ung thư cổ tử cung và lan sang các tổ chức, cơ quan khác thường diễn ra trong thời gian dài sau khi xuất hiện những tế bào bất thường.
Do vậy, nếu bạn bị loạn sản cổ tử cung tái đi tái lại, có tiến triển nặng và kéo dài, thì việc điều trị nhằm phá hủy hoặc loại bỏ các tế bào bất thường là rất cần thiết.
Điều trị chứng loạn sản cổ tử cung nhẹ
Xét nghiệm Pap thực hiện lặp lại 3 – 6 tháng một lần.
Điều trị chứng loạn sản cổ tử cung vừa
Giai đoạn này thường điều trị chứng loạn sản cổ tử cung bằng các phương pháp:
- Phá hủy các tế bào bất thường bằng tia laser.
- Mô đông lạnh bằng cách dùng một que thọng để điều trị.
- Cắt bỏ các tế bào bất thường bằng cách phẫu thuật.
Điều trị chứng loạn sản cổ tử cung nặng
Phương pháp điều trị như sau:
- Cắt bỏ khỏi tử cung một vùng mô hình nón chứa các tế bào bất thường.
- Tiến hành qua âm đạo dưới tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ.
- Thời gian tiến hành phẫu thuật từ 5 đến 10 phút.
Trường hợp nặng hơn, khi các tế bào bất thường bị méo mó dữ dội, việc điều trị sẽ cần:
- Cắt bỏ khỏi tử cung một vùng mô hình nón lớn hơn.
- Tiến hành dưới tác dụng của thuốc gây mê.
Phòng ngừa chứng loạn sản cổ tử cung và kiểm soát biến chứng của bệnh
Là phụ nữ, làm cách nào để bảo vệ sức khỏe của bạn trước chứng loạn sản cổ tử cung? Nếu chẳng may mắc phải, sau khi điều trị bạn cần lưu ý điều gì để kiểm soát biến chứng và ngăn bệnh tái phát? Sau đây là những lời khuyên của các chuyên gia sức khỏe và các bác sĩ có chuyên môn cao dành cho bạn:
Phòng ngừa chứng loạn sản cổ tử cung
Tiêm phòng HPV khi còn trẻ. Khám phụ khoa ít nhất mỗi năm 1 lần.
Nếu đã có người chung chăn gối, đã quan hệ tình dục, bạn nên thực hiện xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện sớm chứng loạn sản cổ tử cung.
Kiểm soát chứng loạn sản cổ tử cung tái phát
Sau khi điều trị chứng loạn sản cổ tử cung:
- Bạn có thể bị tiết dịch có lẫn máu trong vài tuần, đây là hiện tượng bình thường nên đừng quá lo lắng bạn nhé!
- Các tế bào cổ tử cung sẽ dần dần trở lại bình thường.
- Bác sĩ sẽ hẹn bạn sau 3 tháng điều trị: Tiến hành xét nghiệm Pap, soi cổ tử cung để đảm bảo không có bất thường xảy ra sau khi điều trị.
Việc kiểm tra định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần theo hướng dẫn của bác sĩ là điều bạn cần thực hiện để phòng chứng loạn sản cổ tử cung tái phát.
Lời khuyên
Không phải phụ nữ nào bị chứng loạn sản cổ tử cung cũng bị ung thư cổ tử cung. Lí do là vì :
- Mặc dù các tế bào trong chứng loạn sản cổ tử cung khi được quan sát trông giống như tế bào ung thư.
- Nhưng nếu chúng vẫn nằm trong lớp biểu mô ở bề mặt của cổ tử cung, không xâm lấn vào các tổ chức khỏe mạnh khác của cổ tử cung thì lúc này chưa được xem là tế bào ác tính.
Do vậy điều quan trọng là bạn kịp thời phát hiện và điều trị sớm để hạn chế biến chứng gây ung thư cổ tử cung của chứng loạn sản cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung đứng thứ 3 trong tổng số các ung thư ở phụ nữ, sau ung thư vú, ung thư đại trực tràng. Hãy thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ, thực hiện xét nghiệm Pap, và giữ lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe chính mình bạn nhé! Phòng Khám Ana chúc các bạn đặc biệt là các chị em phụ nữ luôn mạnh khỏe và yêu đời.