Hiện nay, viêm lộ tuyến tử cung rất hay gặp nên là phụ nữ bạn nhất định phải biết về tổn thương này! Làm thế nào để bạn phòng tránh cũng như điều trị kịp thời nếu chẳng may mắc phải viêm lộ tuyến tử cung? Viêm lộ tuyến tử cung có gây vô sinh không? Có chữa khỏi hoàn toàn được không? Thông tin trong bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn! Cùng xem nhé!
Khái niệm
Để hiểu rõ hơn về viêm lộ tuyến tử cung, đầu tiên bạn cần hiểu một số khái niệm cơ bản về lộ tuyến, cụ thể như sau:
Lộ tuyến tử cung là gì?
- Ở cổ tử cung thông thường của phụ nữ: Biểu mô tuyến nằm ở trụ cổ trong (mặt trong cổ tử cung). Biểu mô lát nằm ở phần cổ ngoài (mặt ngoài cổ tử cung).
- Lộ tuyến tử cung là sự hiện diện của biểu mô tuyến ở mặt ngoài cổ tử cung.
- Cụ thể là tình trạng biểu mô tuyến ở trụ cổ trong lan xuống hoặc lộ ra ở phần cổ ngoài của tử cung.
- Thông thường nếu lộ tuyến hẹp không có triệu chứng cơ năng thì bạn không cần phải điều trị.
Viêm lộ tuyến tử cung là gì?
Bệnh phụ khoa luôn là nỗi lo lắng thầm kín của nữ giới, đồng thời viêm lộ tuyến tử cung cũng là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp:
- Khi lộ tuyến tử cung có triệu chứng tổn thương, viêm,… chúng ta gọi là viêm lộ tuyến tử cung: Các tế bào tuyến (biểu mô tuyến) khi phát triển xâm lấn ra ngoài cổ tử cung vẫn tiết dịch như khi ở trong cổ tử cung. Điều này khiến bạn bị tăng tiết dịch trong âm đạo, ngứa, khí hư có mùi,… dễ dẫn đến viêm nhiễm.
- Viêm lộ tuyến tử cung còn được gọi là viêm lộ tuyến cổ tử cung.
- Đây là một trong các tổn thương lành tính và không đặc hiệu ở cổ tử cung.

Tại sao phải điều trị viêm lộ tuyến tử cung?
Tuy không phải là ung thư nhưng chúng ta cần phải điều trị khi lộ tuyến tử cung bị viêm, vì:
- Diễn biến có thể kéo dài, gây lo lắng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của bạn.
- Có thể làm bạn dễ mắc viêm nhiễm đường sinh dục trên và vô sinh: Lộ tuyến tử cung là vị trí dễ bị tấn công bởi một số tác nhân như trùng roi âm đạo, nấm, tạp khuẩn, vi khuẩn Chlamydia, lậu, Herpes,… Những tác nhân này có thể gây viêm ngược dòng từ lộ tuyến ở cổ tử cung lên làm tắc vòi trứng, viêm nội mạc tử cung, viêm tiểu khung,… Dịch viêm làm môi trường trong âm đạo thay đổi, dịch nhiều hơn bình thường gây cản trở tinh trùng gặp trứng, đồng thời độ pH âm đạo bất thường khiến tinh trùng khó sống khi vừa vào đến. Các bạch cầu có thể có trong dịch viêm sẽ diệt tinh trùng do tác dụng thực bào.
- Có thể tiến triển thành ung thư dưới tác động của các yếu tố sinh ung thư nếu không được điều trị.

Triệu chứng cảnh báo nguy cơ bị viêm lộ tuyến tử cung
Khi mới bị viêm lộ tuyến có thể không có biểu hiện gì khiến bạn chỉ phát hiện bệnh nếu vô tình đi khám phụ khoa định kỳ. Càng ở cấp độ nặng hơn của bệnh, có một số các triệu chứng sau sẽ biểu hiện nghiêm trọng hơn:
- Ra nhiều khí hư kèm mùi khó chịu.
- Có biểu hiện ngứa ở bộ phận sinh dục.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Đôi khi ra máu khi quan hệ.
Phân loại viêm lộ tuyến tử cung
Có 3 cấp độ chính để phân loại viêm lộ tuyến tử cung dựa trên diện tích lộ tuyến xâm lấn:
Viêm lộ tuyến tử cung cấp độ 1
- Diện tích lộ tuyến chiếm 1/3 diện tích cổ tử cung.
- Biểu hiện bệnh chưa rõ nhưng cũng có một số bất thường bạn có thể thấy được là khí hư nhiều, màu trắng, xanh, mùi hôi, ngứa vùng kín.
- Đi khám ngay giai đoạn này sẽ giúp việc điều trị được kết quả tốt nhất vì bạn chỉ mới bị nhẹ.

Viêm lộ tuyến tử cung cấp độ 2
- Diện tích lộ tuyến chiếm từ 1/3 đến 2/3 cổ tử cung.
- Các bất thường về khí hư, ngứa âm đạo,… sẽ biểu hiện nặng hơn.
- Bạn có thể bị đau và xuất huyết khí quan hệ.
- Lúc này bạn rất dễ nhầm lẫn mình bị một bệnh lý phụ khoa khác.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
- Top 10 thực phẩm tốt cho mẹ bầu khi gần sinh
- Tiểu đường thai kỳ và những điều mẹ bầu nhất định phải biết!
Viêm lộ tuyến tử cung cấp độ 3
- Diện tích lộ tuyến chiếm hơn 2/3 diện tích cổ tử cung.
- Dịch âm đạo lúc này có lẫn máu và mùi hôi, kèm theo xuất huyết âm đạo, đau bụng nhiều hơn, cơn đau có tần suất ngày một nhiều.
- Nếu bạn vì chủ quan hay e ngại mà không đi khám tại cơ sở y tế uy tín, bệnh sẽ chuyển nặng và có thể khiến bạn gặp nguy cơ bị ung thư cổ tử cung rất cao.
Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến tử cung
Cổ tử cung là đoạn thấp nhất của tử cung. Cổ tử cung có phần nằm trong âm đạo và phần nằm trên âm đạo. Phần trong âm đạo chịu tác động trực tiếp của một loạt các thay đổi sinh lý hoặc bệnh lý khác nhau.
Sau đây là những yếu tố tạo nên nhiều tổn thương lành tính, trong đó có lộ tuyến tử cung:
- Sự thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ (Estrogen): Sự gia tăng Estrogen gây ra sự tăng sinh tế bào tuyến ở trụ cổ trong tử cung. Điều này khiến biểu mô tuyến lan ra chiếm một phần cổ ngoài tử cung.
- Tuổi tác và hoạt động sinh sản: Sang chấn sau sinh thường, nong, nạo phá thai,… làm lỗ trong cổ tử cung bị đẩy bật ra ngoài gây lộn tuyến (các tế bào tuyến trụ cổ trong bị lộn ra ngoài).
- Độ pH acid môi trường âm đạo.
- Các tác nhân nhiễm trùng bao gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng,…
Đồng thời cũng dưới sự ảnh hưởng của những yếu tố trên, lộ tuyến bị tổn thương gây ra bệnh viêm lộ tuyến tử cung.

Đối tượng nguy cơ bị viêm lộ tuyến tử cung
Lộ tuyến tử cung phần lớn xảy ra sau mang thai và sinh đẻ do lộn tuyến trong thai kỳ không thoái triển hoàn toàn, một số ít trường hợp do bẩm sinh. Do vậy, đối tượng nguy cơ cao mắc phải viêm lộ tuyến tử cung là phụ nữ:
- Đã có quan hệ tình dục.
- Đã trải qua sinh đẻ (đẻ thường).
- Trải qua các thủ thuật can thiệp qua cổ tử cung như: Đặt dụng cụ tử cung, hút thai,…
Chẩn đoán bệnh viêm lộ tuyến tử cung
Chỉ có thể chắc chắn bạn bị viêm lộ tuyến tử cung hay bệnh lý khác dựa vào việc đến khám tại cơ sở y tế uy tín và có chuyên môn, bất cứ dấu hiệu nào bạn thấy cũng có thể là báo hiệu của một bệnh lý khác. Do đó hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác trước khi chọn cách điều trị bệnh phụ khoa bạn nhé!

Khám lâm sàng
- Triệu chứng chính của lộ tuyến là ra khí hư nhầy, tăng tiết dịch âm đạo.
- Nhìn bằng mắt thường thấy không có biểu mô lát tầng, thấy có một vùng đỏ quanh lỗ cổ tử cung.
- Quan sát dưới kính soi thấy có nhiều nụ nhỏ, màu hồng đậm hơn biểu mô lát, có chất nhầy bên trên.
Khám cận lâm sàng
- Soi tươi, nhuộm Gram phát hiện các tác nhân thường gặp như: Nấm Candida, trùng roi âm đạo, lậu cầu, Gardnerella vaginalis.
- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung: Hình ảnh bình thường hoặc các biến đổi lành tính.
- Khám qua mỏ vịt: Soi cổ tử cung thấy vùng biểu mô lát không nhẵn bóng mà xù xì màu đỏ do ổ viêm, thường có lớp dịch nhầy bao phủ. Lộ tuyến tử cung sau khi bôi acid acetic 3% chất nhầy đông lại, soi cổ tử cung thấy hình ảnh chùm nho, bôi Lugol không bắt màu (âm tính).
- Sinh thiết cổ tử cung: Kết quả mô bệnh học bình thường hoặc biến đổi lành tính.
Điều trị bệnh viêm lộ tuyến tử cung
Phác đồ điều trị viêm lộ tuyến tử cung có phức tạp không? Lộ tuyến tử cung có thể được điều trị dứt điểm không? Sau đây là thông tin chi tiết về việc điều trị viêm lộ tuyến tử cung để bạn tham khảo:
Nguyên tắc chung, mục tiêu điều trị
Khi bạn có tổn thương lành tính bạn sẽ cần được:
- Điều trị trước các nguyên nhân gây bội nhiễm (nếu có).
- Tiếp theo là loại trừ tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư: Xét nghiệm Pap’s, soi, sinh thiết.
- Sau đó sẽ bắt đầu điều trị viêm lộ tuyến tử cung.
Điều trị cụ thể viêm lộ tuyến tử cung
Tùy theo từng trường hợp viêm lộ tuyến tử cung và bệnh lý kèm theo (nếu có) mà bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Cụ thể như sau:
Chỉ định
Bác sĩ sẽ chỉ điều trị khi lộ tuyến của bạn có triệu chứng:
- Diện tích lộ tuyến rộng, tiết dịch nhiều: Nếu đường kính lộ tuyến < 1 cm thì không cần triệt tuyến. Nếu đường kính lộ tuyến > 1cm , tăng tiết dịch khiến bạn khó chịu, lộ tuyến kéo dài không tự tái tạo, bạn sẽ cần triệt tuyến.
- Lộ tuyến + viêm âm đạo – cổ tử cung tái diễn.
- Có chỉ định điều trị khác: Lộ tuyến + vô sinh, diện tích lộ tuyến rộng + có nhu cầu đặt dụng cụ tử cung.
Điều kiện
- Không có viêm nhiễm.
- Test acid acetic (-).
- Tế bào cổ tử cung không có bất thường tế bào biểu mô.
- Thời điểm sau sạch kinh 2 – 3 ngày, tối đa không quá ngày thứ 10 của vòng kinh.
Các phương pháp điều trị
- Đặt thuốc.
- Cắt/ đốt điện.
- Áp lạnh.
- Hóa hơi bằng laser.
Theo dõi sau điều trị
- Bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng kháng sinh đường uống 5 ngày hoặc hơn.
- Bạn cần kiêng giao hợp tối thiểu 4 tuần.
- Bạn cần đến ngay cơ sở y tế để khám lại nếu có một trong các dấu hiệu nguy hiểm sau: Sốt hơn 2 ngày, ra máu âm đạo nhiều, ra khí hư nhiều, hôi, đau bụng dưới nhiều.
- Bạn sẽ được hẹn tái khám sau 3 tháng.

Phòng ngừa bệnh viêm lộ tuyến tử cung
Phần lớn tổn thương lành tính cổ tử cung không nguy hiểm đến tính mạng, tùy nhiên cần khám phụ khoa định kỳ hàng năm và/ hoặc sàng lọc ung thư cổ tử cung theo khuyến cáo để loại trừ ung thư cổ tử cung.
Các tổn thương lành tính ở cổ tử cung ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, nên việc phòng bệnh có một vai trò quan trọng:
- Tổn thương lành tính thường do nhiễm trùng, sinh đẻ nhiều gây ra vì vậy việc vệ sinh kính nguyệt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh giao hợp rất quan trọng.
- Bạn cần hiểu các tổn thương lành tính cổ tử cung dễ phát hiện, điều trị đơn giản và có hiệu quả. Do vậy bạn nên có ý thức khám phụ khoa định kỳ mỗi năm một lần nhằm phát hiện sớm các tổn thương, có kế hoạch điều trị, theo dõi.
- Cần sàng lọc nhiễm HPV, xét nghiệm tế bào âm đạo – cổ tử cung để phát hiện sớm nguy cơ gây ung thư cổ tử cung và các tổn thương tiền ung thư.
- Cán bộ y tế cần đảm bảo tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn khi làm các thủ thuật.
- Khi có tổn thương ở cổ tử cung dù là lành tính cũng nên điều trị dứt điểm, không để xảy ra các tái tạo bất thường.

Lời khuyên
Để có kết quả điều trị viêm lộ tuyến tử cung tốt nhất, khi thấy những biểu hiện ban đầu của bệnh bạn hãy đến điều trị tại các cơ sở y tế uy tín. Việc này sẽ giúp bạn phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm khi không điều trị triệt để viêm lộ tuyến tử cung.
XEM NGAY: XÉT NGHIỆM SOI CỔ TỬ CUNG
Trong thời gian điều trị, bạn lưu ý:
- Không tự ý dùng thêm thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Không bỏ thuốc giữa chừng khi thấy các triệu chứng được cải thiện.
- Những kiêng cữ bác sĩ dặn bạn hãy luôn tuân thủ (kiêng quan hệ tình dục).
- Giữ vệ sinh vùng kín đúng cách: Không tự ý thụt rửa âm đạo, không vệ sinh quá ít hay quá nhiều lần trong ngày, dùng nước sạch để rửa vùng kín.
Như vậy, viêm lộ tuyến tử cung nguy hiểm khi bạn chủ quan hay vì ái ngại mà không đi khám và điều trị dứt điểm. Hi vọng những thông tin được cung cấp trong bài viết của Phòng Khám Ana sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm lộ tuyến tử cung. Mong rằng bạn sẽ có thể bảo vệ sức khỏe của mình nhờ phát hiện sớm viêm lộ tuyến tử cung và điều trị theo phác đồ bác sĩ đưa ra!