Nữ giới bắt đầu có khả năng mang thai khi xuất hiện kinh nguyệt. Ngày nay, phần lớn mọi người tránh thai dựa trên việc kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Cụ thể là dùng thuốc tránh thai, hiệu quả lên đến 99,9% khi bạn dùng đúng cách. Bạn đang tìm một biện pháp tránh thai? Hãy xem bài viết sau đây để hiểu rõ về cách dùng cùng những lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai nhé!
Các biện pháp ngừa thai bao gồm rất nhiều phương pháp, từ các phương pháp tự nhiên đến các phương pháp can thiệp. Mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau để bạn có thể lựa chọn một phương pháp thích hợp:
- Tránh thai tạm thời:
- Kế hoạch hóa gia đình tự nhiên: đo thân nhiệt, dùng lịch tính vòng kinh, theo dõi ngày trứng rụng, xem chất nhầy cổ tử cung, kiêng quan hệ định kỳ;
- Phương pháp tránh thai vô kinh cho bú (LAM);
- Sử dụng bao cao su, chất diệt tinh trùng;
- Phương pháp đặt vòng;
- Thuốc tránh thai nội tiết.
- Tránh thai vĩnh viễn (triệt sản):
- Phương pháp thắt vòi trứng;
- Phẫu thuật cắt tử cung.
Phòng khám sản phụ khoa Ana xin cung cấp đến bạn đọc toàn bộ các kiến thức cần biết về thuốc tránh thai trong bài viết này. Bạn hãy theo dõi để vừa hạnh phúc vừa khỏe mạnh nhé!
Khái niệm và phân loại thuốc tránh thai chuẩn nhất
Nhu cầu sử dụng thuốc tránh thai là nhu cầu chính đáng khi duy trì hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên rất nhiều chị em vẫn còn e ngại dẫn đến thiếu hút kiến thức trầm trọng về thuốc tránh thai và các loại thuốc tránh thai để dùng đúng cách.
Thuốc tránh thai là gì?
Thuốc tránh thai (thuốc tránh thai nội tiết) là một phương pháp tránh thai có hồi phục (hay còn gọi là tránh thai tạm thời). Thuốc có tác dụng ngăn thụ thai giống như cơ chế hormon tự nhiên của cơ thể ngăn thụ thai khi đã mang thai.
Các thuốc tránh thai không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như bệnh AIDS). Chỉ bao cao su mới có tác dụng này.
Các loại thuốc tránh thai thông dụng
Có 3 nhóm thuốc tránh thai chính:
- Thuốc uống tránh thai:
- Thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp: trong thành phần có estrogen và progestin;
- Thuốc tránh thai đường uống dạng chỉ có một hoạt chất (viên progestin);
- Thuốc tránh thai khẩn cấp.
- Thuốc tránh thai tác dụng chậm:
- Các thuốc tiêm bắp;
- Cấy dưới da: bao gồm tuýp hay que bằng silicon có kích thước phù hợp;
- Các dụng cụ tránh thai như vòng tránh thai: các dụng cụ này có thể chứa các hormon, có tác dụng tránh thai kéo dài đến 5 năm.
- Thuốc tránh thai khác:
- Các biện pháp tránh thai cơ học: bao cao su dành cho phụ nữ, thường được dùng riêng lẻ hoặc dùng cùng với một thuốc diệt tinh trùng;
- Miếng dán tránh thai: phóng thích qua da để tạo tác động như thuốc uống tránh thai;
- Thuốc diệt tinh trùng.
Ban nên tham khảo ý kiến một bác sĩ phụ khoa hoặc một chuyên gia kế hoạch hóa gia đình để biết được phương pháp tránh thai nào là tốt nhất cho bạn. Bài viết này cung cấp thông tin về thuốc tránh thai nội tiết, cụ thể là nhóm thuốc uống tránh thai. Các bạn hãy cùng xem nhé!
Công dụng của thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp
- Phòng tránh việc mang thai ngoài ý muốn;
- Thuận tiện cho việc sử dụng;
- Không ảnh hưởng đến khả năng quan hệ tình dục;
- Có khả năng hồi phục chức năng sinh lý như bình thường sau khi ngưng thuốc;
- Cải thiện khả năng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em;
- Cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt;
- Bảo vệ cơ thể chống các rối loạn sức khỏe;
- Ngăn ngừa các khối u ác tính.
Thuốc tránh thai hàng ngày dạng chỉ có một hoạt chất
- Tác dụng phụ do estrogen trong viên kết hợp hoàn toàn được loại trừ;
- Không gây bất lợi đến khả năng bài tiết sữa. Vì vậy thuốc có thể dùng cho phụ nữ đang cho con bú;
- Dễ uống;
- Có thể dùng cho những bạn có huyết áp cao, u xơ tử cung, tiểu đường, động kinh, hút thuốc và có tiền sử nghẽn mạch do huyết khối;
- Hạn chế viêm vùng chậu và ung thư cổ tử cung.
Thuốc tránh thai khẩn cấp
- Hỗ trợ khi biện pháp tránh thai đã dùng không hiệu quả.
Hướng dẫn sử dụng thuốc tránh thai đúng cách
Thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp
Các bạn nữ không cho con bú có thể dùng thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp. Vì thuốc rất có hiệu quả khi bạn sử dụng đúng cách và đều đặn.
Tuy nhiên một số bạn bị nôn hoặc tiêu chảy khi dùng thuốc. Bạn hãy nhớ:
- Nếu vừa uống thuốc xong mà bị nôn: bạn cần phải uống bù liều khác;
- Nếu sau khi uống thuốc khoảng hơn 4 giờ mới bị nôn: bạn không cần uống bù liều khác nữa.
Hãy cùng xem cách sử dụng được hướng dẫn sau đây để yên tâm hơn bạn nhé!
Cách sử dụng thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp an toàn, hiệu quả
Có 2 loại thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp, đó là loại vỉ 21 viên và loại vỉ 28 viên.
Thuốc tránh thai hàng ngày loại vỉ 21 viên:
- Dùng viên đầu tiên vào ngày thứ nhất của chu kỳ kinh nguyệt;
- Uống mỗi ngày sau đó 1 viên, và uống vào 1 giờ nhất định;
- Uống thuốc sau khi ăn tối, trước khi đi ngủ là tốt nhất;
- Uống đúng với mũi tên chỉ dẫn trên vỉ thuốc liên tục trong 21 ngày;
- Uống hết vỉ này mới chuyển sang vỉ khác, 2 vỉ thuốc cách nhau 7 ngày;
- Bất kể ngày thứ 8 (sau 7 ngày nghỉ uống thuốc) bạn có kinh hay chưa, bạn vẫn phải uống viên đầu tiên của vỉ thuốc kế tiếp;
- Với liệu trình sử dụng thuốc như trên thì thuốc đã có hiệu quả tránh thai ngay từ viên đầu tiên;
- Biệt dược phổ biến: Regulon, Marvelon, Mercilon, Diane 35, Novynette,…
Thuốc tránh thai hàng ngày loại vỉ 28 viên:
- Thành phần tương tự loại 21 viên, trong 7 viên cuối là thuốc bổ, không chứa hoạt chất tránh thai;
- Cách dùng tương tự như loại vỉ 21 viên;
- Tùy nhiên, không cần ngừng 7 ngày;
- Bạn có thể bắt đầu uống thuốc từ ngày thứ 5 kể từ khi có kinh. Lưu ý là bạn nên sử dụng bao cao su trong 7 ngày tiếp theo;
- Trong thời gian bạn uống những viên thuốc bổ của vỉ thuốc, khoảng ngày thứ 2 hoặc thứ 3 bạn sẽ bị xuất huyết giống như kinh nguyệt.
- Biệt dược phổ biến: Rigevidon 21+7, Drosperin, New Choice,…
Thời gian uống thuốc tránh thai đường uống dạng phối hợp
- Bạn có thể uống đến khi nào không có ý định tránh thai nữa;
- Trong trường hợp sảy thai hoặc phá thai, bác sĩ có thể đưa lời khuyên cho bạn uống thuốc tránh thai hàng ngày loại phối hợp ngay sau khi phá thai;
- Nếu bạn không cho con bú sau khi sinh, bạn có thể sử dụng thuốc sau khi sinh 3 tuần;
- Nếu bạn cho con bú thì nên dùng thuốc 6 tháng sau sinh.
Thuốc tránh thai đường uống dạng chỉ có một hoạt chất
Còn được gọi là thuốc tránh thai chỉ chứa progestin. Đây là thuốc tránh thai hàng ngày cho mẹ bỉm sữa chỉ chứa 1 thành phần là progesterone (norgestrel, levonorgestrel,…) và một số bạn nữ không thích hợp dùng thuốc tránh thai dạng phối hợp.
- Hiệu quả tránh thai thấp hơn dạng phối hợp nhưng không ảnh hưởng đến lượng sữa tiết ra;
- Bạn chỉ nên dùng trong 6 tháng đầu cho con bú;
- Sau đó chuyển sang tránh thai hàng ngày thông thường mới có hiệu quả tránh thai cao;
- Thuốc chỉ có tác dụng sau khi dùng thuốc 15 ngày liên tục và đều đặn;
- Ít tác dụng phụ do chỉ có một hoạt chất;
- Biệt dược phổ biến: Embevin 28,…
Thuốc tránh thai khẩn cấp
Thuốc tránh thai khẩn cấp có thể được dùng sau khi quan hệ không dùng biện pháp tránh thai, hoặc biện pháp tránh thai đã dùng không hiệu quả.
Loại thuốc tránh thai này thường được gọi là viên thuốc của ngày hôm sau. Bạn không nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp quá 2 lần trong 1 tháng, vì càng dùng hiệu quả tránh thai càng giảm.
Cách sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp an toàn, hiệu quả
Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 1 viên:
- Dùng càng sớm càng tốt;
- Tốt nhất là trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ;
- Biệt dược phổ biến: Postinor-1,…
Thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên:
- Dùng viên đầu tiên càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 72 giờ (3 ngày) sau khi quan hệ tình dục không được bảo vệ;
- Dùng viên thứ 2 cách thời điểm dùng viên đầu tiên 12 giờ;
- Biệt dược phổ biến: Postinor-2,…
Thời gian uống thuốc tránh thai khẩn cấp
Trên thị trường có những loại thuốc tránh thai khẩn cấp ghi thời gian uống sau khi quan hệ có thể lên đến 120 giờ (5 ngày). Điều này không phải do thuốc đó tốt hơn. Mà tất cả các loại thuốc tránh thai khẩn cấp đều sẽ còn tác dụng nhưng hiệu lực của thuốc sẽ giảm đi.
Cụ thể dựa trên nguyên tắc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, nếu bạn uống càng sớm thì hiệu lực tác dụng của thuốc sẽ càng cao:
- Uống thuốc trong 24 giờ đầu: hiệu quả tránh thai lên tới 95%;
- Uống thuốc sau 24-48 giờ: hiệu quả tránh thai đạt 85%;
- Uống thuốc sau 48-72 giờ: hiệu quả tránh thai chỉ còn 58%.
BÀI VIẾT BẠN NÊN XEM:
Hướng dẫn xử lý khi quên uống thuốc tránh thai
Càng nhiều viên thuốc bị quên và thời điểm quên càng gần khoảng thời gian uống giả dược thì khả năng có thai càng cao. Việc uống bù thuốc bị quên dựa trên số viên thuốc liên tiếp bị quên và thời gian bị quên trong chu kỳ. Cụ thể như sau:
Nếu bạn quên uống thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp
- Quên 1 viên trong ngày hôm nay: uống bù vào ngày tiếp theo;
- Quên liên tiếp 2 ngày: uống bù trải đều vào 2 ngày tiếp theo;
- Quên uống thuốc 3 ngày, có 2 cách xử lý, đó là:
Cách 1: Bạn nên uống ngay viên thuốc bị quên ngay khi nhớ ra, thậm chí là phải uống 2 viên cùng lúc. Sau đó, bạn tiếp tục uống các viên khác vào giờ thường lệ trong ngày. Bạn nên bắt đầu vỉ thuốc tiếp theo ngay lập tức sau khi uống hết 21 viên thuốc có hoạt chất ở vỉ thuốc hiện tại, không uống các viên thuốc bổ. Bạn sẽ không có kinh nguyệt cho đến khi uống hết vỉ thứ 2, nhưng có thể bị xuất huyết lấm tấm hoặc xuất huyết ngoài chu kỳ trong những ngày dùng thuốc;
Cách 2: Bạn hãy ngưng sử dụng vỉ thuốc đó luôn và thay nó bằng vỉ mới. Trong trường hợp này bạn nên để khoảng thời gian không uống thuốc hoặc uống viên thuốc bổ trong 7 ngày bao gồm cả ngày quên thuốc, sau đó tiếp tục uống vỉ tiếp theo.
- Mỗi ngày chỉ uống tối đa 2 viên;
- Nếu quên uống 1 viên thì tạm thời ngưng quan hệ trong vòng 2 ngày để đảm bảo an toàn nhất;
- Nếu bạn uống thuốc bị trễ từ 3 tiếng trở lên so với giờ uống thuốc của ngày hôm trước, bạn cũng cần đến các biện pháp ngừa thai an toàn trong vòng 2 ngày.
Nếu bạn quên uống thuốc tránh thai hàng ngày dạng một thành phần (dành cho mẹ cho con bú) quá 12 giờ thì nên sử dụng biện pháp tránh thai khác đồng thời vẫn tiếp tục uống thuốc như bình thường.
Nếu bạn quên uống thuốc tránh thai khẩn cấp loại 2 viên
- Bạn phải uống cả 2 viên thuốc trong vỉ, và phải để khoảng cách giữa 2 lần uống không quá 16 giờ (tốt nhất là 12 giờ);
- Nếu bạn quên uống viên thứ hai muộn hơn 16 giờ, cần uống ngay khi nhớ ra và xin lời khuyên của bác sĩ hay dược sĩ càng sớm càng tốt.
Biện pháp hỗ trợ khi quên dùng thuốc tránh thai
Bạn nên sử dụng kèm thêm các biện pháp tránh thai khác ngay khi phát hiện quên uống thuốc. Những biện pháp này nên được sử dụng ít nhất 7 ngày.
Nếu bạn quan hệ tình dục không được bảo vệ và quên uống từ 2 viên thuốc trở lên trong tuần đầu tiên bạn dùng vỉ thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp. Bạn nên dùng thuốc tránh thai khẩn cấp.
Tác dụng phụ của thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp có tác dụng phụ không?
Có một số tác dụng phụ hay biến chứng nghiêm trọng bạn có thể gặp nếu tự ý mua dùng thuốc tránh thai dạng phối hợp trước khi được bác sĩ chỉ định:
- Buồn nôn, nôn, đau đầu và chuột rút ở chân;
- Đau ngực, đau vú;
- Tăng cân;
- Nám da, mụn trứng cá;
- Kinh nguyệt bất thường: kinh nguyệt ra ít, rong kinh, tắt kinh;
- Giảm ham muốn tình dục, khí hư,…
- Biến chứng nghiêm trọng:
- Trầm cảm;
- Huyết khối tĩnh mạch, huyết khối động mạch;
- Sự hình thành khối u;
- Vàng da ứ mật;
- Tăng huyết áp.
Thuốc tránh thai đường uống một hoạt chất có tác dụng phụ là gì
- Các tác dụng phụ do progestin;
- Có thể gây mụn trứng cá, đau ngực, đau đầu, bă huyết hoặc tắt kinh trong khoảng 20-30% các trường hợp;
- U nang buồng trứng có thể được phát hiện nhưng không yêu cầu phải phẫu thuật;
- Tỉ lệ thất bại khoảng 0,5-2/100 phụ nữ sử dụng mỗi năm. Sự thất bại xảy ra ở phụ nữ trẻ nhiều hơn so với phụ nữ 40 tuổi.
Thuốc tránh thai khẩn cấp và tác dụng phụ
- Bạn có thể cảm thấy buồn nôn, cũng có thể bị nôn sau khi dùng thuốc;
- Kinh nguyệt có thể thay đổi, tuy rằng đa số phụ nữ sẽ có chu kỳ kinh bình thường, nhưng một số người có thể có kinh sớm hơn hoặc trễ hơn;
- Có thể xảy ra xuất huyết bất thường hoặc xuất huyết lấm tấm trong thời gian sau dùng thuốc cho đến kỳ kinh tiếp theo;
- Nếu bạn trễ kinh quá 5 ngày, hoặc kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít hơn bình thường, bạn cần xin ý kiến của bác sĩ càng sớm càng tốt;
- Bạn có thể bị căng tức ngực, đau đầu, đau bụng dưới, tiêu chảy, chóng mặt hoặc mệt mỏi sau khi sử dụng thuốc;
- Hiếm gặp bị đỏ da, mày đay, ngứa, phù mặt, đau khung chậu, đau bụng kinh.
Những triệu chứng này sẽ giảm dần sau vài ngày.
Khi nào nên ngưng sử dụng thuốc tránh thai
Nếu mọi theo dõi sức khỏe của bạn đều bình thường. Bạn không cần thiết phải ngưng tạm thời định kỳ thuốc tránh thai phối hợp. Vì không có bằng chứng khoa học nào buộc dừng định kỳ thuốc tránh thai trừ những trường hợp sau:
- Đau nửa đầu nghiêm trọng;
- Rối loạn thị giác hay ngôn ngữ;
- Đau ngực đột ngột;
- Ngất xỉu không rõ nguyên nhân hoặc chóng mặt một cách đột ngột;
- Chuột rút nặng và đau ở chân;
- Tăng cân quá mức;
- Trầm cảm nặng;
- Trước khi phẫu thuật (ngưng thuốc ít nhất 6 tuần);
- Mong muốn mang thai (ngưng thuốc trước khi có thai ít nhất 3 tháng để nội mạc tử cung trở lại bình thường);
Lưu ý:
- Nếu bạn có thai, không có chỉ định bạn phải phá thai. Vì diễn biến của thai nghén hoàn toàn bình thường. Và vô tình uống thuốc tránh thai hàng ngày thời kỳ đầu không gây nguy cơ dị tật bẩm sinh đáng chú ý. Vậy nên hãy đi khám và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ bạn nhé!
- Nếu chỉ để duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, bạn nên dùng thuốc trong khoảng từ 3-5 năm để mang lại hiệu quả an toàn.
- Sự tiết sữa sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn đang cho con bú mà dùng thuốc tránh thai hàng ngày dạng phối hợp. Có loại phù hợp dành riêng cho phụ nữ đang nuôi con bú nên mẹ bỉm sữa nhớ kỹ thông tin này nhé!
Hãy đi khám và báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn bạn gặp phải khi sử dụng thuốc. Những lời khuyên của bác sĩ sẽ giúp bạn chủ động kiểm soát sức khỏe sinh sản của mình. Nhất là bạn sẽ tránh được những biến chứng nguy hiểm khi dùng thuốc tránh thai sai cách.
Lưu ý khi dùng thuốc tránh thai
Ai không nên dùng thuốc tránh thai?
Đối tượng không nên dùng thuốc tránh thai hàng ngày:
- Ung thư vú, tử cung;
- Tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn về máu;
- Phụ nữ trên 40 tuổi;
- Phụ nữ có thai;
- Xuất huyết âm đạo bất thường;
- Ung thư vú;
- Bệnh động mạch;
- Nghẽn mạch huyết khối.
Khi có nhu cầu tránh thai, bạn có thể đến khám ở nơi uy tín, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn chọn được phương pháp tránh thai phù hợp.
Phụ nữ cho con bú tránh thai bằng thuốc tránh thai khẩn cấp được không?
Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể dùng thuốc tránh thai khẩn cấp loại có chứa levonorgestrel. Để giảm phơi nhiễm đối với bé, bạn nên uống thuốc ngay sau khi cho bé bú và tránh cho bé bú ít nhất là 8 giờ sau mỗi lần uống thuốc.
Những điều không thể bỏ qua
Tỷ lệ tránh thai thành công 100% là không thể có trừ phi kiêng hẳn không sinh hoạt tình dục. Để quyết định dùng phương pháp tránh thai nào, tốt nhất bạn nên đến tư vấn bác sĩ cũng như phải có sự trao đổi giữa vợ chồng.
Đối với thuốc tránh thai đường dạng phối hợp. Dù thuốc có ưu điểm là hiệu quả cao, kiểm soát tốt chu kỳ, dung nạp tốt ở đa số các bạn nữ cũng như khả năng hồi phục lại trạng thái bình thường nhanh (90% trường hợp khi ngưng thuốc thì sự rụng trứng trở lại bình thường). Nhưng bạn phải lưu ý những điều sau:
- Kiểm tra sức khỏe, khám tổng quát, bắt buộc khám phụ khoa để chắc chắn bạn không bị bệnh lý cổ tử cung;
- Bạn phải chắc chắn mình không có thai trước khi uống thuốc;
- Khi được bác sĩ tư vấn thuốc tránh thai, trong quá trình sử dụng dù không có vấn đề gi, bạn vẫn nên đi khám định kỳ. Điều đó giúp bạn tránh những tác dụng không mong muốn. Nhất là bạn sẽ nhận được sự tư vấn của bác sĩ về cách sử dụng thuốc tránh thai an toàn, hiệu quả.
Hi vọng qua những thông tin được cung cấp trong bài viết này, mọi lo lắng của bạn về thuốc tránh thai sẽ được giải tỏa. Nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc, bạn hãy đến Phòng khám sản phụ khoa Ana để được tư vấn hỗ trợ nhé!
Thông tin liên hệ phòng khám Ana
- Hotline/Zalo/Viber: 098 367 88 72
- Fanpage: Phòng khám sản phụ khoa Ana Củ Chi
- Email: phongkhamana@gmail.com
- Địa chỉ: 246 Tỉnh Lộ 8, Thị Trấn Củ Chi, Huyện Củ Chi, Thành Phố Hồ Chí Minh